Nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và được các đại biểu cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới đây.
Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu của công tác Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung, như: Công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau; Luật Căn cước công dân không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát...
Lực lượng Công an tăng cường cấp CCCD gắn chip cho người dân
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư và đảm bảo cuộc sống cho người dân. Đặc biệt, 2 dự án: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) là chủ trương lớn nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật hiện hành để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các đơn vị, địa phương và gửi lấy ý kiến của các Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến tham gia đã được Bộ Công an tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và giải trình.
Dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, so với Luật hiện hành đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng quy định về căn cước, Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở Dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng…
Cùng với việc nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử; kết nối, chia sẻ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư tới các bộ, ngành, địa phương, nhất là bảo đảm việc khai thác thông tin trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của chính quyền cơ sở cấp xã, cấp huyện, của các tổ chức được giao thực hiện dịch vụ công… Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ CCCD gắn chíp điện tử để phục vụ hiệu quả, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nhất là trở thành trung tâm liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu quốc gia, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Để cụ thể hoá một số chính sách được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước. Xây dựng Luật Căn cước nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của công dân; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên Internet và mạng xã hội xuất hiện những luận điệu sai trái, bịa đặt, xuyên tạc chủ trương này nhằm hướng lái, “bẻ cong” vấn đề đảm bảo an ninh con người mà Đảng, Nhà nước ta đang tập trung thực hiện. Bằng những luận điệu không có căn cứ thực tiễn, các đối tượng có tư tưởng cực đoan, chống đối đã cố tình tung ra những thông tin sai sự thật, như “đi đâu cũng bị định vị”, “thẻ căn cước gắn chíp là để theo dõi người dân”, “Chính phủ, Bộ Công an thu thập dữ liệu cá nhân”; chúng xuyên tạc việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật căn cước để chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm gây mất ổn định về an ninh chính trị, tạo ra sự bức xúc, bất mãn, chống đối việc ban hành Luật căn cước cũng như việc triển khai thực hiện chiến dịch cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử của cơ quan chức năng… Thậm chí, các đối tượng còn ngụy tạo rằng “vì chỉ tiêu thiếu tính thực tế mà chính quyền ép dân làm căn cước công dân gắn chíp điện tử, làm lây lan dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn bao biện chối trách nhiệm”… Những luận điệu trên cần phải được nhận diện, phòng ngừa kịp thời.
Trên thực tế, theo quy định của pháp luật đang có rất nhiều loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng không gắn từ “Công dân” vào phía sau như hộ chiếu, bảo hiểm… do đó việc chỉnh lý thuật ngữ này cũng là chuyện bình thường, hợp lý, không phải như suy diễn của các phần tử phản động. Sự chỉnh lý này còn nhằm phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới, bởi một số quốc gia trên thế giới cũng có cách gọi tên ngắn gọn là căn cước mà không cần thêm từ công dân; cùng với đó sự điều chỉnh này còn tạo nhằm điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam trong việc quản lý dân cư, mở rộng đối tượng cho các trường hợp “Công dân gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng không có quốc tịch..”…
Với việc ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, thẻ CCCD gắn chíp điện tử của Việt Nam ra đời không những giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức quản lý con người từ thủ công sang hiện đại, mà còn đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố an ninh an toàn và có khả năng bảo mật thông tin ở mức độ rất cao. Tính năng ưu việt của thẻ Căn cước mới chính là tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn so với Căn cước công dân mã vạch trước đây, nên khi người dân đi làm các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch khác, chỉ cần mang thẻ Căn cước công dân gắn chip… Đồng thời, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp có thể phòng ngừa các loại giấy tờ giả mạo, giảm chi phí việc công chứng nhiều loại giấy tờ truyền thống, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử. Hơn nữa, mức độ an toàn, bảo mật của chíp rất cao và việc đối sánh sinh trắc học có thể thực hiện ngay trên chíp nên thông tin định danh của công dân được lưu trên thẻ là không thể thay đổi, hạn chế tối đa giả mạo. Mặt khác, chíp điện tử được sử dụng gắn trên thẻ CCCD không có khả năng định vị, thông tin lưu trữ trên chíp cần phải có công cụ chuyên dụng để đọc và thông tin mới được mã hóa. trong dự thảo luật đã nêu rất rõ Căn cước công dân được cấp trước ngày dự thảo luật Căn cước mới có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Vậy nên, việc các đối tượng cho rằng “Luật Căn cước mới có hiệu lực thì người dân phải làm lại căn cước” là thông tin bịa đặt, vô căn cứ, xuyên tạc sự thật.
Có thể nói, việc xuyên tạc chính sách mới của ta về hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nói chung và tờ trình dự thảo Luật Căn cước nói riêng là đòn thâm hiểm của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, phản động. Do đó, nhân dân cần tin tưởng rằng việc cấp căn cước gắn chip điện tử sẽ tạo nên bước đột phá cơ bản trong hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời tích cực, nỗ lực phối hợp, giúp đỡ cơ quan chức năng hoàn thành việc cấp căn cước gắn chip điện tử để góp phần tạo bước đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta.
Phương Huyền - Công an tỉnh