Thông tin chỉ đạo, điều hành
Đăng ngày: 08/08/2018 - Lượt xem: 613
Công an Hưng Yên: Nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại

Trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin đã và đang có những bước phát triển như vũ bão, được ứng dụng vào mọi mặt của đời sống, mang đến sự tăng trưởng và tiến bộ về kinh tế - xã hội; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

   Bên cạnh những ưu thế vượt trội của mình, công nghệ thông tin đặc biệt là Internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây lan các loại phần mềm độc hại, gây mất an toàn thông tin, dẫn đến nhiều rủi ro cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

  Phần mềm độc hại (hay còn gọi là mã độc) là loại phần mềm được tạo ra và xâm nhập vào hệ thống với mục đích phá hoại hệ thống hoặc lấy cắp thông tin, làm gián đoạn, tổn hại tới tính bí mật, tính toàn vẹn và tính sẵn sàng của máy tính nạn nhân. Mã độc được phân thành nhiều loại tùy theo chức năng, cách thức lây nhiễm, phá hoại như: virus, worm, trojan, rootkit …

    Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thực trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam hiện nay rất đáng báo động. Đặc biệt, có những trường hợp tấn công mã độc cơ quan chức năng đã không phản ứng kịp thời để phát hiện, phân tích và gỡ bỏ. Năm 2016 và năm 2017, một số cuộc tấn công mạng sử dụng phần mềm độc hại đã làm thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều cơ quan, tổ chức ở Việt Nam. Không chỉ tấn công vào hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp; phần mềm độc hại có thể gây hại cho bất cứ thiết bị thông minh nào của các cá nhân.

 

(Ảnh minh họa)

 

   Nhằm nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại, cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương phân loại, xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và xây dựng phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin. Tăng cường sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử; Bảo đảm có giải pháp phòng, chống mã độc bảo vệ cho 100% máy chủ, máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan và có cơ chế tự động cập nhật phiên bản hoặc dấu hiệu nhận dạng mã độc mới. Rà soát, kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin trước khi đưa thiết bị điện tử có kết nối Internet vào sử dụng. Kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng cảnh báo, bóc gỡ mã độc. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý các mối nguy hại của mã độc và trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống mã độc...

 

 (Ảnh minh họa)

 

   Trước sự tấn công của các tin tặc ngày càng phức tạp, để đảm bảo an toàn hệ thống máy tính trong lực lượng Công an toàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật Bộ  Công an, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã ban hành công văn số 2154/CAT(PV11) ngày 31/7/2018 hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương kỹ thuật phòng ngừa mã độc mạng máy tính. Theo đó, đối với máy tính mạng nội bộ: người sử dụng nên thường xuyên sao lưu dữ liệu (backup) vào các thiết bị lưu trữ riêng biệt. Tải về và cập nhật các bản vá lỗ hổng an ninh cho hệ điều hành Windows. Đối với máy tính có kết nối Internet: người dùng nên cài đặt phần mềm diệt virus; không truy cập vào các liên kết lạ, cảnh giác khi mở các tệp đính kèm; không chuyển dữ liệu từ Internet vào mạng nội bộ (và ngược lại); sử dụng tường lửa (Firewall) có sẵn trên hệ điều hành Windows để chặn các kết nối không đáng tin cậy. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ máy tính bị lây nhiễm mã độc (máy bị chậm, bị treo hay khởi động lại) cần nhanh chóng cách ly, cô lập máy tính/vùng mạng máy tính (rút dây mạng, tắt máy tính), sau đó kiểm tra lại máy tính hoặc đề nghị cán bộ, nhân viên kỹ thuật hỗ trợ.

     Để phòng chống hiệu quả các phần mềm độc hại, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống mã độc, mỗi cán bộ chiến sỹ và người dân cần nâng cao cảnh giác trước khi truy cập Internet; cẩn trọng trong sử dụng USB và các thiết bị lưu trữ dữ liệu khác để bảo vệ an toàn các thiết bị cũng như dữ liệu, thông tin của cá nhân và cơ quan, đơn vị.

  Phương Huyền – Công an tỉnh

Tin liên quan