Với quyết tâm không để tội phạm “tín dụng đen” hoạt động, lực lượng Công an toàn tỉnh, trong đó chủ công là phòng Cảnh sát hình sự tăng cường đấu tranh, trấn áp tội phạm cho vay lãi nặng và các loại hình cho vay biến tướng.
Thời gian qua, dù nền kinh tế đã dần hồi phục sau đại dịch Covid 19, nhưng đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn găp nhiều khó khăn, nhiều người bị mất việc làm, thu nhập không ổn định… Đây là điều kiện khiến cho tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” lộng hành. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2021-2023), lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, giải quyết 135 vụ, việc liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó khởi tố 61 vụ, 81 bị can về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt hành chính 38 vụ…
Hiện nay, bên cạnh những thủ đoạn truyền thống, hoạt động “tín dụng đen” đang biến tướng, trá hình dưới nhiều hình thức mới như huy động vốn đầu tư, cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, “vay nóng” tiêu dùng, chơi hụi, họ hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp... Dù tồn tại dưới hình thức nào thì điểm chung của chúng cũng là vay tiền nhanh với mức lãi suất “cắt cổ” (từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng/triệu đồng/ngày vay), tương đương mức lãi suất hàng trăm phần trăm mỗi năm, đẩy người vay vào tình trạng khó có khả năng trả nợ. Có thể nói, tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” là một trong những nguy cơ cao làm phát sinh các loại tội phạm khác, như: gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản… gây bức xúc trong dư luận nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Lực lượng Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ, khởi tố nhiều đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Kiên quyết đấu tranh, trấn áp với tội phạm “tín dụng đen”
Trước những diễn biến phức tạp và hệ lụy của “tín dụng đen”, thời gian qua, Công an tỉnh Hưng Yên đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”. Trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện của “tín dụng đen” như: kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn vay để có giải pháp tháo gỡ, giúp người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng không phải tìm đến “tín dụng đen”; Ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đối sánh dữ liệu của ngành ngân hàng, làm sạch dữ liệu thông tin khách hàng vay, loại bỏ tài khoản “ảo”, phục vụ cho vay tín dụng tiêu dùng; Làm sạch thông tin thuê bao di động, loại bỏ sim “rác”; Ngăn chặn website, ứng dụng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”... Qua đó huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”.
Với vai trò là nòng cốt trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”. Trọng tâm là phổ biến, cập nhật cho người dân hiểu về các quy định của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ cũng như các thủ đoạn lợi dụng các dịch vụ này để vi phạm pháp luật. Đồng thời, thông báo về những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ, việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ... Mặt khác, Công an các đơn vị, địa phương ra quân bóc dỡ các biển quảng cáo, tờ rơi liên quan đến “tín dụng đen”, lập nhiều hòm thư tố giác tội phạm, phát động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm nói chung và tội phạm “tín dụng đen” nói riêng. Qua đó nâng cao ý thức tự phòng tránh và tích cực tham gia tố giác tội phạm của người dân, gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động nắm chắc tình hình, địa bàn, khu vực, không gian mạng. Đồng thời, siết chặt công tác quản lý nhà nước về ANTT, trong đó kiên quyết kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay, kinh doanh tài chính có biểu hiện vi phạm pháp luật; có hình thức xử lý nghiêm đối với các cơ sở hoạt động không phép, biến tướng để hoạt động “tín dụng đen”. Tăng cường nắm chắc tình hình địa bàn, rà soát, lên danh sách, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nhất là các đối tượng hình sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư... nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê; kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá và xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng hoạt động liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Ngày 12/9/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”. Quá trình triển khai thực hiện cao điểm, lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, “đánh mạnh”, “đánh trúng” vào các băng, ổ nhóm, đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính để vi phạm pháp luật. Sau 2 tháng triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã phát hiện, giải quyết 21 vụ, 23 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; khởi tố 08 vụ, 10 bị can về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xử lý hành chính 3 vụ, 3 đối tượng. Điển hình ngày 16/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng gồm Phạm Trường Hà, sinh năm: 1997 (trú tại xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên); Quách Văn Công, sinh năm 1996 (trú tại xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên); Nguyễn Văn Doanh, sinh năm 1985 và Phạm Thị Phượng, sinh năm 1987 (cùng trú tại phường An Tảo, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Qua điều tra, xác định nhóm đối tượng đã cho khách hàng vay tiền dưới hình thức “vay trả lãi ngày” với mức lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày (tương đương 109,5 đến 182,5%/năm), qua đó thu lợi bất chính hơn 545 triệu đồng.
Các đối tượng trong vụ án Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xảy ra tại thành phố Hưng Yên khởi tố ngày 16/11/2023.
Trước sự ra quân quyết liệt của lực lượng Công an toàn tỉnh, tình hình liên quan đến “tín dụng đen” đã có những chuyển biến rõ nét, ý thức chấp hành pháp luật, cảnh giác của người dân được tăng cao. Hoạt động đòi nợ, siết nợ không còn diễn biến phức tạp, các dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Tình trạng sử dụng sim rác, tài khoản “ảo” để quảng cáo hoạt động “tín dụng đen” đã giảm.
Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, nhất là vào dịp cuối năm, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen” trong đời sống xã hội, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, hiểu biết pháp luật của bản thân về cho vay trong các giao dịch dân sự, bẫy “ tín dụng đen” và những hệ lụy của nó để tránh trở thành nạn nhân của loại tội phạm này./.
Vũ Nhung