Chuyên mục an ninh Hưng Yên
Đăng ngày: 03/10/2018 - Lượt xem: 4018
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - những vấn đề đặt ra đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Cách mạng 4.0 đang phát triển với tốc độ cấp số nhân, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử; nó tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặt ra những cơ hội và cả những thách thức, trong đó có tác động rất lớn đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Lịch sử loài người đã và đang trải qua 04 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN). Lần thứ nhất vào năm 1784: Khởi nguồn từ nước Anh đặc trưng là cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và phát minh ra động cơ hơi nước (phát minh này của James Watt công bố năm 1775) - Kỷ nguyên sản xuất cơ khí. Lần thứ hai: Từ năm 1871 - 1914 đặc trưng là động cơ điện, vận tải, hóa học; sản xuất thép và sản xuất trên cơ sở điện cơ khí và sang giai đoạn tự động hóa và khởi nguồn từ Mỹ. Lần thứ ba: Từ năm 1969 với sự ra đời của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Được xúc tác bởi chất bán dẫn, siêu máy tính, laptop (1970 và 1980), Internet (thập niên 1990) trung tâm và khởi nguồn từ Mỹ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (The Fourth Industrial Revolution) đang được hình thành trên nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ 3, đó là cuộc cách mạng số, đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử từ năm 2011; đặc trưng là điều khiển hệ và Robot, các hệ thống liên kết thế giới thực và thế giới ảo do: (1) Sự đột phá của khoa học công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ số tích hợp công nghệ “thông minh” để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; (2) Nguy cơ an ninh phi truyền thống đòi hỏi tìm ra các giải pháp công nghệ, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng bền vững hơn; (3) Điểm “đòn bẩy” là: Công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, Robot, công nghệ kết nối vạn vật (IoT) và Internet các dịch vụ (IoS).

 

      (Nguồn: Theo Internet)

 

Cách mạng 4.0 đang phát triển với tốc độ cấp số nhân, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử; nó tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặt ra những cơ hội và cả những thách thức, trong đó có tác động rất lớn đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Công việc điều tra, khám phá án, phòng ngừa tội phạm… là một trong những lĩnh vực đặc thù của lực lượng Công an. Chính vì vậy, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an nhân dân (CAND) nói chung, CBCS Công an tỉnh Hưng Yên nói riêng phải nhìn nhận một cách thấu đáo những yếu tố tác động của CMCN 4.0.

Theo chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đang trong quá trình xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đã được đầu tư trang bị nhiều loại vũ khí, phương tiện hiện đại, công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Bên cạnh đó, với thực tế hiện nay, lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đang chú trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ có bản lĩnh chính trị, tình yêu nghề nghiệp, tự học, tự rèn, đặc biệt là những kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ...

Với những thành tựu của CMCN 4.0, lực lượng Công an Hưng Yên có thể chủ động hơn trong quá trình điều tra, truy bắt, đấu tranh với các loại tội phạm… Với những ưu việt của công nghệ số, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, việc chỉ huy, quản lý, điều hành của lãnh đạo Công an các đơn vị địa phương sẽ có những thay đổi rất lớn, người chỉ huy sẽ được hỗ trợ tối đa việc ra quyết định nhanh chóng hơn, chính xác hơn khi khống chế hay truy bắt, phòng ngừa hay đấu tranh với các loại tội phạm. Có thể nói, tất cả các hoạt động trong quá trình điều tra, truy bắt, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm… của lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đều hưởng lợi từ những thành tựu CMCN 4.0.

Tuy nhiên, những thách thức đặt ra không hề nhỏ. Như việc thay đổi tư duy, nhận thức, cách thức triển khai các hoạt động thực tiễn, đặc biệt là tổ chức lực lượng, quản lý, chỉ huy điều hành và hoạt động huấn luyện… cùng với đó là những yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhân lực hay những nguy cơ về bảo mật, an toàn thông tin. Trong thời đại này, cần phải tiếp tục nghiên cứu để xác định hướng đi phù hợp, có hiệu quả trong công tác xây dựng lực lượng, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật không làm oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Để làm được điều này, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về nội dung, ý nghĩa của cuộc cách mạng này để nâng cao nhận thức và hiểu biết của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ cần chú trọng tăng cường. Các phòng nghiệp vụ về điều tra cần nghiên cứu tham mưu Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và phương hướng nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện cho việc áp dụng tối đa thành tựu về khoa học và công nghệ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như sẵn sàng ứng phó trước sự biến đổi của tình hình tội phạm hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng cần tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, truyền dẫn, đồng bộ… tạo tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng này trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đặc biệt là các công nghệ mới như rô-bốt, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn… ứng dụng trong quản lý chỉ huy, điều hành và áp dụng trực tiếp vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Để đạt được những mục tiêu đó, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới có liên quan đến khoa học, công nghệ, tin học, ngoại ngữ. Cần tăng cường cử cán bộ hoặc mở các lớp đào tạo trong và ngoài ngành về những kiến thức có liên quan đến cuộc CMCN 4.0 nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có năng lực chuyên môn cao. Áp dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào công tác điều tra, phòng ngừa tội phạm được ví là cuộc chiến không tiếng súng, cuộc chiến của trí tuệ và công nghệ.

Ví dụ trong đảm bảo an ninh thông tin, khi hệ thống điều hành bị “tấn công” thì chúng ta cần rà soát, kiểm tra thường xuyên tình hình bảo mật, an ninh để sớm phát hiện các lỗ hổng bảo mật, mã độc… có nguy cơ làm lộ, lọt thông tin. Cùng với đó, chủ động và tích cực đào tạo, huấn luyện trong nước và nước ngoài, ngắn hạn và dài hạn cho CBCS nâng cao kỹ năng xử lý rủi ro. Dựa theo tình hình thực tế mà phát đi các cảnh báo để Công an các đơn vị, địa phương và cá nhân CBCS cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu hoặc mã số khi thực hiện các giao dịch thanh toán hoặc thực hiện bất kỳ yêu cầu thay đổi thông tin trên mạng xã hội, trong các diễn đàn (forum), website, email, điện thoại…

Còn trường hợp đối tượng tấn công các mục tiêu bảo vệ có vũ khí nóng, nếu chúng ta có rô-bốt cảnh sát thì phải biết vận dụng và điều khiển nó, khống chế một cách hợp lý nhất. Để làm được điều này, chúng ta phải hiểu nguyên lý hoạt động của rô-bốt trong việc phát hiện tội phạm, truy bắt tội phạm.

Về mặt quản lý tình hình ANTT, ở các địa bàn nên lắp đặt hệ thống camera ở các địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị, các tuyến đường chính để bảo vệ cho người dân, việc này cũng giúp cơ quan Công an quản lý địa bàn thuận tiện hơn. Chẳng hạn một vụ việc xảy ra, ở nơi có đặt camera, các lực lượng chức năng kịp thời đến nơi để can thiệp kịp thời, tránh phải chờ quần chúng nhân dân báo mới biết hoặc nếu xảy ra thì có thể trích xuất dữ liệu lưu trữ hình ảnh để truy tìm đối tượng, nắm được diễn biến vụ việc.

Còn đối với các thiết bị điện thoại, máy tính của Công an các đơn vị, địa phương và cá nhân CBCS cần sử dụng các phần mềm có bản quyền; sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao và thường xuyên thay đổi mật khẩu cài đặt và sử dụng các phần mềm bảo vệ (diệt vi-rút) hoặc thiết lập tường lửa (firewall)…

Riêng đối với việc truy bắt, điều tra tội phạm, Lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương phải có cái nhìn tổng quát và hiểu rõ về công nghệ thông tin, vận dụng thành quả của CMCN 4.0 vào thực tế trong từng trường hợp cụ thể để có thể định vị được đối tượng, tìm được các manh mối của đối tượng, của từng vụ việc bằng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với các ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, khám phá án…

       Đại úy Nguyễn Hồng Quân - Phó Trưởng Công an huyện Kim Động

Tin liên quan