Sáng 14/6, bên hành lang Quốc hội, đại biểu đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên thường trực UB Tư pháp, Giám đốc Học viện Tư pháp và đại biểu Dương Trung Quốc đã trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ Đồng Tâm
"Tôi tin pháp luật sẽ đại lượng, công bằng"
- Ông đánh giá thế nào về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm?
- Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật. Vì vậy bất kể ai, nhân dân hay cơ quan, tổ chức vi phạm, đều phải chịu trách nhiệm hình sự, hành chính, kỷ luật theo quy định. Vấn đề khởi tố vụ án hay không phải dựa trên cơ sở pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bất kể cơ quan, tổ chức nào đều phải bị khởi tố, không có trường hợp nào là đặc biệt và ngoại lệ.
Pháp luật cũng quy định tình tiết giảm nhẹ, miễn trừ hình sự và hành chính. Trên cơ sở đó căn cứ tính chất, mức độ hành vi vi phạm để quyết định xử hay không, miễn hay không, xử nặng hay nhẹ.
Khởi tố cũng có thể miễn trách nhiệm hình sự, có thể miễn hình phạt, có thể xử nhưng cho hưởng án treo hay xử phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Thế nên vấn đề quan trọng nhất là thực thi pháp luật cho đúng.
- Quyết định khởi tố vụ án khiến nhiều người dân nói chung và người dân Đồng Tâm nói riêng tâm tư vì trước đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân xã Đồng Tâm?
- Tôi rất chia sẻ tâm tư của nhân dân và cử tri, bởi khi nghe tin khởi tố, nhân dân cho rằng vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị coi là tội phạm. Ở góc độ đại biểu Quốc hội, là người từng làm việc trong lĩnh vực pháp luật, tôi tin rằng pháp luật sẽ có những đại lượng phù hợp, công bằng đối với người có nhiều tình tiết giảm nhẹ, với những người ăn năn hối cải, với người tự nguyện sửa chữa khắc phục hậu quả cũng như tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm.
Như vụ Đồng Tâm thì sẽ quyết định hình thức xử phạt ở mức độ giáo dục là chính chứ không nghiêng về trừng trị, theo đúng quy định của bộ luật Hình sự về miễn trừ, giảm nhẹ, chuyển hình phạt hoặc áp dụng hình phạt nhẹ nhất.
- Ông có bình luận gì về bản cam kết của ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cách đây hơn một tháng?
- Về bản cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, vào thời điểm nhất định nào đó, có thể có hành vi chúng ta chưa thể khẳng định vi phạm hành chính hay hình sự nên lời hứa của người có trách nhiệm có thể nói là phù hợp hoàn cảnh và tình hình. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, đánh giá, điều tra có hành vi vi phạm, phạm tội thì phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật
Có cách tiếp cận để người dân yên tâm
Đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ: “Tôi còn nhớ câu đầu tiên trong tâm thư của bà con Đồng Tâm là nhận lỗi với những gì đã làm sai và mong muốn là không truy cứu hình sự”.
Đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ việc ở xã Đồng Tâm
Qua sự việc, ông Dương Trung Quốc đánh giá quyết định khởi tố điều tra là cần thiết để làm rõ mức độ vụ việc như thế nào ở cả phía người dân lẫn cơ quan công quyền. Trên cơ sở đó mới có quyết định truy cứu hình sự hay không.
“Sự việc đã xảy ra rồi, chúng ta không thể bỏ qua được. Việc bà con bắt giữ một số người làm công vụ, kể cả hiện tượng đập phá tài sản bà con đã nhận lỗi. Còn lỗi ở mức độ nào thì đó là công việc của cơ quan điều tra”, đại biểu Quốc chia sẻ.
Ông Dương Trung Quốc cũng cho hay, sau khi cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ việc, người dân Đồng Tâm có gọi điện cho ông chia sẻ những tâm tư. “Tôi có khuyên người dân trước hết phải bình tĩnh hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc. Nếu lẽ phải thuộc về phía mình thì đương nhiên phải hành xử như thế”, ông Dương Trung Quốc cho biết.
Theo ông Dương Trung Quốc, trong vụ Đồng Tâm yếu tố tâm lý của người dân rất quan trọng. Do vậy, ông Dương Trung Quốc mong muốn cơ quan nhà nước bên cạnh việc làm đúng chức trách của mình cũng phải có cách tiếp cận để bà con được yên tâm, ổn định tình hình.
“Việc pháp luật vào cuộc là để bảo đảm ổn định bền vững lâu dài, nhưng những vấn đề kết luận liên quan đến đất đai cũng phải làm sáng tỏ ra, kể cả cách hành xử với cụ Kình cũng phải làm sáng tỏ ra”, ông Dương Trung Quốc nêu vấn đề.
Chia sẻ về bản cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Dương Trung Quốc cho rằng, cam kết đó là giải pháp tình huống. Là người có mặt ở Đồng Tâm hôm đó, nên ông Quốc hiểu tình huống này “theo cách nói đơn giản là để tháo ngòi nổ làm sự việc dịu đi”.
Về mặt lý, đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá ông Nguyễn Đức Chung là người đứng đầu cơ quan hành pháp thì không làm như vậy.
Theo ông Quốc các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho cơ quan điều tra làm rõ vụ việc, từ đó khẳng định việc làm của bà con Đồng Tâm nếu có sai cũng có lý do khách quan, nhưng ở mức độ nào và có truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Sự việc mới diễn ra như vậy nên theo tôi nghĩ tất cả đều phải bình tĩnh hợp tác với nhau, kể cả lời hứa cũng là lời hứa về mặt tinh thần. Trên cơ sở đó vận dụng cho tốt để đảm bảo ổn định lâu dài và giải quyết một cách toàn diện sự việc, làm cho người dân cảm thấy yên lòng”, ông Dương Trung Quốc nói thêm.
Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng phòng Tranh tụng, Công ty TNHH Luật Vietthink (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Theo quan điểm của tôi, việc Cơ quan CSĐT - Công an TP. Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi bắt, giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm) là cần thiết để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự: “Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý”.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng cần xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội, thái độ nhận thức thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải của những người liên quan, trên cơ sở đó để xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự, thể hiện chính sách hình sự nhân đaọ của Đảng và Nhà nước.
Điều 25 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009:
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
2. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Quang Phong - Tiến Nguyên (Dân trí)