Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng Pin Li-ion (Lithium-ion) đang bùng nổ do mật độ năng lượng cao, chi phí bảo trì thấp, sạc nhanh và lợi thế về tuổi thọ.
Có cấu tạo giống như các loại pin khác, pin Li-ion có thành phần cơ bản là một chất điện phân, điện cực dương, điện cực âm và các ion Lithium. Chất điện phân đóng vai trò trung gian trong quá trình các Lithium truyền qua lại giữa hai cực dương và âm. Khi xả hoàn toàn năng lượng, các ion Lithium trong pin sẽ mang dấu dương (Li+) tại điện cực dương và bị hút về cực dương khi không có electron mang dấu âm (e-). Nếu được bảo quản và vận hành trong điều kiện khuyến cáo của nhà sản xuất, tỷ lệ lỗi của pin Lithium-ion được ước tính là 1 trên 40 triệu. Tuy nhiên, trong thực tế các yếu tố như sạc quá mức, ảnh hưởng của nguồn nhiệt từ bên ngoài hoặc các tác động cơ học… làm tăng đáng kể xác suất lỗi này. Mặc dù nhiều giải pháp an toàn khác nhau đã được tích hợp vào các pin Lithium-ion thương mại, vẫn có rất nhiều sự cố cháy nổ liên quan đến pin Lithium-ion đã xảy ra.
Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông điện sử dụng pin Li-ion
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4 triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu hành với doanh số tiêu thụ hằng năm liên tục tăng từ 30% đến 35%, đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy điện (E2W) lớn nhất khu vực ASEAN và lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Đối với ô tô điện, năm 2021, chỉ có 167 xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Năm 2023, đã có 28.402 xe ô tô điện được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.
Sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các phương tiện giao thông điện đã mang lại nhiều lợi ích to lớn, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Cùng với sự phát triển đó cũng kéo theo sự xuất hiện các vụ cháy, nổ với số lượng và quy mô ngày càng tăng. Điển hình như vụ cháy, nổ xe máy điện khi đang sạc bị chập vào ngày 13/7/2023, tại phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa khiến 2 người chết, tạo ra tâm lý lo lắng trong nhân dân, đặc biệt là ở các hộ gia đình, chung cư, nơi tập trung đông người.
Trước tình hình đó, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với phương tiện giao thông điện sử dụng pin Li-ion. Theo đó, lực lượng công an tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, khuyến cáo, cảnh báo, hướng dẫn người dân các giải pháp trong sử dụng, bảo quản, an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng pin Li-ion, đặc biệt là tại các khu hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ, các gara, hầm để xe chung cư…; tham mưu UBND cùng cấp quy hoạch và xây dựng hệ thống cung cấp điện, trạm cấp năng lượng xanh trên mạng lưới đường bộ thuộc phạm vi quản lý; hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông điện tại các cảng thủy nội địa, bến xe…đảm bảo hài hòa, đồng bộ với quy hoạch phòng cháy, chữa cháy. Nghiên cứu, tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu kỹ thuật và trang bị, bố trí phương tiện PCCC cho phương tiện giao thông điện sử dụng pin Li-ion và hạ tầng cho phương tiện giao thông điện sử dụng pin Li-ion; nghiên cứu trang bị các phương tiện đặc chủng cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH để chủ động chữa cháy có hiệu quả đối với đám cháy phương tiện giao thông sử dụng pin Li -ion…
Vũ Nhung