Làn sóng toàn cầu hóa đã và đang tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đem đến cả cơ hội và thách thức đối với sự phát triển toàn cầu, trong đó có phát triển văn hóa. Hội nhập văn hóa quốc tế trở thành một xu thế khách quan. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công cuộc hội nhập cũng khiến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đối mặt với sự “xâm lăng văn hóa”.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển toàn diện đất nước. Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, do vậy các thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách tác động để “tự diễn biến” trên lĩnh vực văn hóa, rồi từ văn hóa lấn sang lĩnh vực chính trị. Nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng Việt Nam, văn hóa luôn là đối tượng mà chúng tập trung hướng đến. Cuộc chiến xâm lăng văn hóa rất khác so với cuộc chiến thông thường. Đây là một cuộc chiến tranh tâm lý, ngấm dần dần, bắt đầu từ sự lung lay, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc. "Diễn biến hòa bình" lấy văn hóa làm trọng điểm tiến công nhằm làm băng hoại, làm chệch hướng xã hội ở Việt Nam.
Một trong những thủ đoạn của chúng thực hiện là “xâm lăng văn hóa” với mục đích dùng văn hóa để xâm lược, tấn công bằng văn hóa để áp đặt các giá trị văn hoá và lối sống của phương Tây, phá hoại bản sắc văn hoá của dân tộc, từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa; đi ngược lại với nền văn hóa của Nhân dân. Hai là thủ đoạn sử dụng văn minh vật chất và truyền bá thông tin một chiều với mục đích gây hoang mang, mất phương hướng trong đời sống tinh thần xã hội, trong tâm lý cộng đồng, làm con người xa rời lý tưởng. Các thế lực thù địch sử dụng “chiêu trò” khuyến khích những nhu cầu văn hóa, tinh thần không lành mạnh cùng các khuynh hướng “văn nghệ đối lập với chính trị”, phủ nhận sự lãnh đạo của đảng đối với văn hóa - văn nghệ; lợi dụng các phương tiện thông tin, truyền thông để truyền bá các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai cùng những hành vi phản nhân văn, phi tiến bộ để tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất tầm thường của mỗi người. Cùng với công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ra sức xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa… Mặc khác, chúng đề cao chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội trong văn hóa - văn nghệ; hạ bệ những tác phẩm đỉnh cao chứa đựng sâu sắc tính nhân văn, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta… Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội để tán phát các tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ. Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có sức đề kháng tốt, rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực, từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Đặc biệt, thời gian qua, không khó để tìm thấy những sản phẩm văn hóa mang dấu ấn ngoại lai, không phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được lan truyền trên các kênh thông tin, truyền thông đa phương tiện, ngấm ngầm làm thay đổi nhận thức, cách suy nghĩ, ứng xử của nhiều người. Một số phim nước ngoài có hình ảnh bản đồ xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp đã được phát hiện kịp thời và ngay lập tức bị cấm chiếu tại thị trường Việt Nam. Âm mưu của các đối tượng là sử dụng các loại hình truyền thông đa phương tiện, ngấm ngầm làm thay đổi nhận thức, cách suy nghĩ, ứng xử của nhiều người. Do vậy, đòi hỏi mọi tầng lớp nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với các thủ đoạn tác động của chúng, đồng thời vận dụng có hiệu quả các biện pháp phòng chống phù hợp nhằm làm thất bại âm mưu “xâm lăng văn hóa”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc bên cạnh tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thời đại, cần tập trung làm thất bại các hoạt động “xâm lăng văn hóa” trong tình hình hiện nay, trong đó chú trọng làm tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực, trong đó, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 09/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Hai là, cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề văn hóa. Cụ thể, phải đề cao văn hóa dân tộc, văn hóa gắn liền với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.
Ba là, nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là giáo dục Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước hết cần tập trung: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Phải hướng mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ vào mục đích kế thừa, phát triển văn hóa Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có ý thức phòng ngừa, đấu tranh với quá trình "xâm lăng văn hóa". Mỗi cá nhân cần có “sức đề kháng”, phân biệt rõ cái đúng, cái sai; cái hay, cái đẹp với cái xấu độc trong quá trình tiếp biến văn hóa. Đồng thời, chúng ta cần quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, những người làm công tác văn hóa, tư tưởng. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phải thực sự hướng về phục vụ nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Năm là, tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính. Tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao cảnh giác, tạo sức đề kháng trước những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đảm bảo số lượng, chất lượng bài viết có tính lan truyền, tác động mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục và tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng trong cộng đồng mạng.
Phát triển văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển; giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nền văn hóa Việt Nam, xây dựng con người phát triển toàn diện, làm thất bại âm mưu “diển biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Qua đó, góp phần nuôi dưỡng và thấm sâu các giá trị văn hóa vào đời sống tinh thần của xã hội, từ đó bảo đảm cho văn hóa các điều kiện để đảm đương được vai trò là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ và là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Phương Huyền – Công an tỉnh