Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Đăng ngày: 03/01/2024 - Lượt xem: 664
Đấu tranh, ngăn chặn các luận điệu, thông tin xuyên tạc, chống phá dịp Tết Nguyên đán

Không chỉ là kỳ lễ tết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của người Việt với những ngày nghỉ lễ dài, được đoàn viên, sum vầy bên gia đình, Tết Nguyên đán còn được xem như biểu trưng văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phần tử cơ hội “ra sức” tung ra các luận điệu, thông tin chống phá, xuyên tạc, phủ nhận giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền ở nước ta.

Trong quan niệm của người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới mà đây cũng chính là dịp đoàn viên, hướng về cội nguồn của các gia đình. Vào dịp này, mặc dù làm bất cứ nghề nghiệp nào, bất cứ nơi đâu, mọi người đều mong muốn được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong những ngày Tết.

Tết Nguyên đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng liêng trang trọng, nhằm tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới, với những lời cầu chúc về một năm mới mạnh khỏe, vạn sự như ý… Cũng theo người Việt, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trọng những giá trị về nguồn cội.

Vậy mà, cứ vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, khi Nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài hân hoan đón chào năm mới, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội lại ra sức xuyên tạc, phủ nhận giá trị tốt đẹp của Tết Nguyên đán. Với cách nhìn phiến diện, chúng cho rằng: Tết Nguyên đán “làm cho nền kinh tế èo uột”, “thủ phạm của sự đình trệ kinh tế”, gây lãng phí thời gian, tiền của… Từ đó, đề nghị “gộp” Tết Nguyên đán vào “Tết Tây”; hoặc bỏ Tết Nguyên đán. Chưa hết, chúng còn trắng trợn xuyên tạc những nỗ lực an sinh xã hội đối với nhân dân, người lao động của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là vào dịp Tết.

Tết cổ truyền Việt Nam là nét văn hóa mang đậm bản sắc cổ truyền của nước ta; bởi nó lưu giữ hồn cốt cội nguồn, gốc tích dân tộc. Đây cũng là dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm, để mọi người được nghỉ ngơi, sum vầy, chúc Tết người thân, họ hàng, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp… Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Các phong tục, tập quán trong Ngày Tết đều nhằm cầu mong cho sự tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe trong năm mới. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân có thể lựa chọn việc mua sắm, trang trí vào ngày Tết cho phù hợp với điều kiện kinh tế. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn hoạt động, làm việc, ứng trực trong ngày Tết theo đặc thù, tính chất công việc; nhiều người vẫn chọn tăng ca thay vì nghỉ lễ… Do vậy, không có chuyện ngày Tết “làm cho nền kinh tế èo uột”, “thủ phạm của sự đình trệ kinh tế”… 

Không khí ngày Tết (Ảnh: Internet)

Năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả, cùng với sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng khác trên các lĩnh vực; phấn đấu hoàn thành cao nhất tất cả các chỉ tiêu về xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Những con số cụ thể về tăng trưởng, triển vọng phát triển của Việt Nam và các địa phương nói riêng là kết quả của sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức kiến tạo, là bằng chứng cụ thể đập tan bức tranh kinh tế u ám, đặc biệt là trong dịp Tết nguyên đán mà các thế lực chống phá dựng lên. Trong đó, chăm lo ngày một tốt hơn cuộc sống cho người dân, đặc biệt là nhóm những người yếu thế, người nghèo trong xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, từ Trung ương đến địa phương, nhiều nguồn lực đã được huy động để tất cả đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn đều được vui Xuân đón Tết trong no ấm, sum vầy. Trong mỗi dịp Tết nguyên đán, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước chăm lo thiết thực cho người dân để mọi người đều có Tết, các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã về nhiều địa phương thăm hỏi, động viên, tặng quà Tết cho người dân nghèo, nhất là các đối tượng chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn…; nhiều chương trình ý nghĩa được tổ chức, thực hiện. Đó mới là thực tế đang diễn ra tại Việt Nam chứ không phải như những luận điệu xuyên tạc về chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta mà các đối tượng phản động, chống phá, cơ hội chính trị đang ra sức hướng đến.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, xã hội phát triển thì những phong tục, tập quán truyền thống cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Do đó, giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền; ngăn chặn sự thay đổi, biến tướng không phù hợp với đạo đức, văn hóa ứng xử của người Việt Nam chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, gắn bó hơn nữa với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cùng với các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, lực lượng Công an toàn tỉnh đã và đang quyết tâm triển khai các nhiệm vụ để người dân vui Tết, đón Xuân trong yên bình, hạnh phúc. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ Xã hội chủ nghĩa. Nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, những vấn đề phức tạp nảy sinh trong công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết cổ truyền; dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và một số sự kiện lịch sử khác; kịp thời tham mưu nhằm định hướng dư luận xã hội, ổn định tình hình. Tăng cường công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực về những thành tựu của đất nước, của tỉnh, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa trong dịp Tết. Tuyên truyền công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Tập trung lực lượng, ra quân triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Phương Huyền – Công an tỉnh

Tin liên quan