Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Đăng ngày: 12/01/2025 - Lượt xem: 1293
Hiểu đúng về lỗi phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP

Ngày 01/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (Nghị định 168) bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện tại xuất hiện một số đối tượng cố tình xuyên tạc, lan truyền thông tin sai lệch nhằm mục đích xấu, tạo sự nghi ngờ giữa Nhân dân với chính quyền, nhất là với lực lượng Công an.

Nghị định 168 với 4 chương và 55 điều được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh. Nghị định quy định 3 nhóm hành vi tăng mức tiền xử phạt, đó là xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số; cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; hành vi gây ra tai nạn giao thông. Trong đó, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước, như: Vượt đèn đỏ với người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 18-20 triệu đồng (tăng gần 4 lần so với Nghị định 100); đi ngược chiều với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với Nghị định 100)... Những thay đổi này không chỉ làm tăng tính răn đe mà còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.

                  

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Nghị định số 168 được ban hành và có hiệu lực đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng xã hội. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình, cho rằng các biện pháp mạnh tay này sẽ giúp giảm thiểu vi phạm và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại về khả năng thích ứng của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp trước các mức phạt rất cao…      

Bên cạnh đó, các đối tượng phản động đã lợi dụng tung ra những bài viết, video, hình ảnh được cắt ghép để triệt để xuyên tạc với những luận điệu như: “Tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông là để thưởng cho lực lượng CSGT”, “Đồng bào đã ngán “kỷ nguyên vươn mình” của CSGT chưa?”; “Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?”…Đây chỉ là những giọng điệu cố tình xuyên tạc, đã tạo ra những luồng thông tin, dư luận xấu, ảnh hưởng đến việc thực thi Nghị định 168 với mục đích xưa nay chúng vẫn làm đó là: phá hoại chính sách của Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc và làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước ta, kích động mâu thuẫn, chống đối trong xã hội… Không ít đối tượng cố tình “lập lờ”, lợi dụng việc tăng mức xử phạt để xuyên tạc chính sách, đơn cử như đăng trên các diễn đàn mạng xã hội cho rằng thu nhập của người lao động phổ thông chưa đầy 10 triệu đồng/tháng mà mức xử phạt đến 20 triệu đồng là quá cao, không phù hợp… Những đối tượng này đã “nhập nhằng” giữa các mức xử phạt và các hành vi vi phạm, lấy chế tài xử phạt vi phạm đối với xe ô tô để luận bàn việc xử phạt cho các phương tiện phổ thông khác (như xe máy) và so sánh với mức thu nhập của những người có thu nhập thấp là hoàn toàn sai trái.

Thực tế, các khoản tiền phạt được nộp vào ngân sách Nhà nước và sử dụng theo đúng quy định pháp luật, được nêu rõ trong quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Việc trích phần trăm số tiền xử phạt cho một số lực lượng là nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chứ không phải “trích tiền để chia nhau”, để “làm giàu thêm cho ngành Công an” như luận điệu của một số đối tượng nêu trên.

Trước khi Nghị định 168 có hiệu lực, tình trạng vi phạm giao thông vẫn còn xảy ra khá nhiều. Nhiều người khi thấy tình trạng này thì rất bức xúc, cho rằng chế tài xử phạt chưa nghiêm nên mới để xảy ra tình trạng “nhờn” luật. Do đó, nếu chỉ trông chờ vào các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật sẽ không đạt hiệu quả tích cực. Cho nên giải pháp cần thiết nhất trong nhiều giải pháp được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ là tăng mức chế tài xử lý.

Có thể thấy rằng, để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông; từ đó, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, mang đến sự an toàn cho người tham gia giao thông. Và thực tế trong những ngày qua cho thấy: Nghị định 168 đang có hiệu ứng tốt; mức xử phạt mới theo Nghị định số 168 là cần thiết để góp phần xóa bỏ vấn nạn cố tình vi phạm luật khi tham gia giao thông. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta cần hết sức cảnh giác và có ý thức trong đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về Nghị định 168.

                                                                   Vũ Nhung

Tin liên quan