Ngày 12/7, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ phó Tổ công tác thực hiện Đề án 06 đồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên
Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, qua thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện đạt 90,66%… Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Đến tháng 6/2023, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đã tiếp nhận hơn 1 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Đến hết ngày 30/6/2023, có 33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, 7 bộ, ngành và 48 địa phương đồng bộ dữ liệu đạt 100%. Có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập dữ liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% đơn vị cấp huyện, xã trên toàn quốc.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số và phát triển kinh tế; đồng thời phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính , Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh Báo CAND)
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, trung thực, đồng thời nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn; phát hiện đúng các nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số và Đề án 06; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn. Cả hệ thống chính trị cần quyết tâm, nỗ lực vượt qua rào cản, điểm nghẽn, tạo đột phá để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đem lại kết quả cao hơn. Tập trung nhân lực, nguồn lực vào 4 vấn đề ưu tiên gồm: phát triển CSDL; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; phát triển các nền tảng số; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin…
Vũ Nhung