Thông tin chỉ đạo, điều hành
Đăng ngày: 12/09/2022 - Lượt xem: 292
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy

Sáng ngày 12/9/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công tác PCCC và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC. Đồng chí Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên, tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thượng tá Nguyễn Trường Lâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có người bị nạn trong các vụ cháy vừa qua; yêu cầu các địa phương, cơ quan có trách nhiệm tổ chức thăm hỏi, chia sẻ động viên tinh thần, vật chất, tạo thuận lợi nhất để người thân của người bị nạn tổ chức tốt cuộc sống; giúp đỡ, chữa trị cho những người bị thương, giúp họ sớm lành bệnh. Đồng chí nhấn mạnh, các vụ cháy thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người. Chính vì vậy, Chính phủ tổ chức khẩn cấp cuộc họp này để tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/CP và đánh giá toàn diện các công tác liên quan đến PCCC để sau Hội nghị này cần có sự chuyển biến thực chất trong công tác PCCC và CNCH trên phạm vi toàn quốc. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), rút ra những bài học kinh nghiệm gì, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm qua (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng. Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính hơn 7.000 tỷ đồng và hơn 7.500 ha rừng. Ngoài ra, xảy ra gần 2.800 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy không thuộc diện phải thống kê như chập thiết bị điện trên cột điện, cháy cỏ, rác do nắng nóng.... Về tình hình nổ, xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng.

Trong 8 tháng năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 1.100 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; ngoài ra xảy ra hơn 2.300 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 10 vụ nổ  làm 7 người chết, bị thương 11 người.

Trong 5 năm triển khai nhiệm vụ CNCH theo quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã điều động hơn 235.00 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu CNCH đối với 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được gần 6.800 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người; tìm được hơn 3.300 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra, qua nắm bắt theo dõi tình hình còn hàng nghìn vụ sự cố, tai nạn nhỏ khác được quần chúng nhân dân, lực lượng tại chỗ tổ chức thực hiện nhưng không có báo cáo về cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH để tổ chức thống kê.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu các giải pháp, nhiệm vụ PCCC trong thời gian tới, trong đó, trọng tâm là hoàn thiện dự thảo một số dự án Luật có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để trình Quốc hội xem xét thông qua, hoàn thiện dự thảo một số dự án Luật có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để trình Quốc hội xem xét thông qua; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân tự giác chấp hành; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác PCCC và CNCH; khắc phục dứt điểm những hạn chế, thiếu sót về đảm bảo an toàn PCCC, nhất là quản lý sử dụng điện...

Đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã trình bày tham luận về công tác PCCC và CNCH liên quan đến bộ, ngành, địa phương mình; đồng thời thảo luận, trao đổi về công tác quản lý công tác PCCC từ cơ sở; công tác xây dựng và áp dụng văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực PCCC; Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH; kiện toàn, củng cố lại các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH; những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong tác chữa cháy và CNCH tại các địa phương;…

                                                                       Minh Phương

Tin liên quan