Thời gian qua, với phương châm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tạo ra sự cảnh tỉnh, răn đe lớn.
Tuy nhiên, lợi dụng việc một số cán bộ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam vi phạm kỷ luật, bị truy tố, xét xử vì vướng vào tham nhũng, trên một số diễn đàn, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động đã lên tiếng xuyên tạc, phủ nhận công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Chúng cho rằng, tình trạng tham nhũng là “căn bệnh nan y của chế độ độc Đảng cầm quyền”. Từ đó, ra sức bài xích chế độ một Đảng của Việt Nam, lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải đi theo con đường đa đảng, tam quyền phân lập vì “Chỉ có thể chống tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực”.
Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận thành quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta (Ảnh: Internet)
Trước hết, cần khẳng định, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự hình thành của giai cấp, sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, nó là căn bệnh của nhà nước. Thực tế trên thế giới cho thấy, ở các nước tư bản chủ nghĩa, duy trì chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn tồn tại, với rất nhiều vụ việc lớn trên tất cả các lĩnh vực; thậm chí một số nguyên thủ quốc gia ở một số nước như: Hàn Quốc, Malaysia, Brazil… cũng bị điều tra, truy tố, xét xử về tội tham nhũng. Theo công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công hằng năm của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đối với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, chủ yếu là các nước, vùng lãnh thổ đi theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa cho thấy, nước nào có chỉ số cao nhất cũng chỉ đạt 88/100 điểm, có nghĩa là quốc gia nào cũng có tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ nghiêm trọng. Vì vậy, việc cho rằng gốc rễ của tham nhũng ở Việt Nam là do một đảng lãnh đạo chỉ là những luận điệu lập lờ đánh lận con đen của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam.
Tại Việt Nam, ngay từ thuở xa xưa, ông cha ta đã ghét thói tham nhũng. Nhiều triều đại phong kiến cũng đã nhận rõ sự nguy hại của nạn tham nhũng và có những quy định ngăn ngừa, nghiêm trị. Thời kỳ nhà Lý (1009-1225), nhà vua đề ra những quy định khắt khe để ngăn ngừa, trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại.
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Người đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”, là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Cũng theo Người, tham ô, lãng phí và quan liêu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ, các biểu hiện này đều có chung một nguồn gốc, đó là chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên; là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó.
Trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với việc dồn sức, dồn lực chống giặc ngoại xâm, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu vẫn rất quan tâm đến công tác chống “giặc nội xâm”. Ngày 05/9/1950, tại chiến khu Việt Bắc đã diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu với tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến. Tại phiên tòa, trước những chứng cứ đanh thép, Trần Dụ Châu phải cúi đầu nhận tội và bị tuyên phạt với mức án cao nhất – tử hình. Đây cũng chính là bản án tử hình đầu tiên về tội tham nhũng tại Việt Nam. Vụ án đã lùi vào lịch sử hơn 70 năm, nhưng tính thời sự, nghiêm minh pháp luật thì vẫn còn nguyên giá trị. Việc thanh tra làm rõ tội trạng của Trần Dụ Châu và vụ án xét xử y đã gây chấn động trong quân đội và nhân dân, đã củng cố niềm tin vào Đảng và Bác Hồ.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam diễn ra với tính chất, mức độ khác nhau nhưng ngày càng tinh vi hơn, làm trì trệ sự phát triển của xã hội, là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (từ ngày 20-25/01/1994) đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đại hội VIII của Đảng năm 1996 tiếp tục khẳng định bốn nguy cơ này vẫn còn tồn tại. Đến Đại hội IX của Đảng năm 2001 nhấn mạnh thêm: “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong Nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Đại hội X của Đảng năm 2006 một lần nữa nêu quyết tâm: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”.
Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng của chúng ta thực sự quyết liệt và đạt hiệu quả thiết thực trong 10 năm trở lại đây sau cuộc họp lịch sử của Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng ban.
Ngày 01/02/2013, Bộ chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban chỉ đạo. Ba ngày sau, tức ngày 04/02/2013, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên đầu tiên. Tại đây, sau khi nghe các thành viên Ban Chỉ đạo đóng góp ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: Việc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn, quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỳ, động chạm đến những người có chức, có quyền. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội được.
10 năm qua, những vấn đề mà đồng chí Tổng Bí thư đặt ra từ phiên họp đầu tiên ấy vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn. Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ rệt, được nhân dân trong nước tin tưởng, bạn bè trên thế giới ghi nhận. Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương, trong 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 170.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.400 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật gần 200 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có nhiều Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 45.000 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 1.000.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật…
Hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta trong 10 năm qua rất rõ ràng và minh bạch. Thế nhưng, các đối tượng thù địch và cơ hội chính trị vẫn tìm cách xuyên tạc sự thật, cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam lợi dụng chống tham nhũng để “hạ bệ lẫn nhau”, phe này “đánh” phe kia”; “Việt Nam chống tham nhũng nửa vời”; “Tham nhũng, càng chống, càng tăng”… Có người còn “lo ngại” rằng: “Nếu cứ tiếp tục chống tham nhũng thì Việt Nam sẽ hết cán bộ”…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ảnh: TTXVN)
Đầu năm nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được tiến hành rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ, thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai, bảo đảm thực hiện nghiêm những kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; có những hình thức xử lý mới, vừa thu hồi tài sản được nhiều hơn, vừa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa. Nhiều vụ án lớn, tồn đọng lâu năm đã tiếp tục triển khai xử lý. Các vụ việc xử lý nghiêm nhưng thuyết phục, nhân văn, nhân ái, có tình, có lý.
Vào dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2023), 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách tập hợp 22 bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của đồng chí Tổng Bí thư trong những năm gần đây, cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa tinh thần chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất lớn để kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Những nỗ lực không thể phủ nhận của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và cuốn sách mới xuất bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là luận cứ thuyết phục, xác đáng nhất để khẳng định và lan tỏa những chủ trương đúng đắn cùng sự quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Minh Phương