Thời gian qua, với phương châm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên quyết, kiên trì, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt đẹp, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thành quả đã đạt được, các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam với nhiều chiêu bài thâm độc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Trước hết, cần khẳng định, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự hình thành của giai cấp, sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, nó là một “căn bệnh” ảnh hưởng đến uy tín, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước. Tệ nạn tham nhũng tồn tại và phát triển, len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội, làm giảm lòng tin của người dân. Ngày 30/1/2024, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2023 của 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo TI, công lý và pháp quyền hiệu quả là điều cần thiết để ngăn ngừa và chống tham nhũng ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Cả hai đều là nền tảng của nền dân chủ và thể hiện quan niệm về sự công bằng, trách nhiệm giải trình. TI nhận định, công lý và pháp quyền trên toàn cầu đã suy giảm kể từ năm 2016. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài ở một số quốc gia góp phần vào xu hướng này, và ngay cả trong bối cảnh dân chủ, các cơ chế kiểm soát chính phủ đã yếu đi... CPI năm nay cho thấy, chỉ 28 trong số 180 quốc gia được đánh giá đã cải thiện mức độ tham nhũng khu vực công của họ trong 12 năm qua và 34 quốc gia đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Bất chấp những tiến bộ đã đạt được trên khắp hành tinh trong việc hình sự hóa tham nhũng và thành lập các tổ chức chuyên trách để giải quyết vấn đề này, mức độ tham nhũng vẫn báo động trên toàn cầu. (Theo Bài viết: Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2023: Những điểm nổi bật đăng trên báo điện tử Thanh tra (Tác giả: Hoài Phương)).
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Tại Việt Nam, ngay từ thuở xa xưa, ông cha ta đã “ghét” thói tham nhũng. Nhiều triều đại phong kiến cũng đã nhận rõ sự nguy hại của nạn tham nhũng và có những quy định ngăn ngừa, nghiêm trị. Theo quan niệm truyền thống của nhân dân ta, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hạn để chiếm đoạt các lợi ích bất chính. Tham nhũng còn được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Tham nhũng là một “căn bệnh” nguy hiểm, nó gây ra những hậu quả hết sức nguy hại về mặt kinh tế, chính trị, cản trở sự phát triển đi lên của xã hội. Tham nhũng làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, làm cho bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí làm mục ruỗng bộ máy nhà nước.
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Người đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”, “tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân cho nước”; các tệ nạn này đều là “kẻ thù của nhân dân. Cũng theo Người, tham ô, lãng phí và quan liêu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ, các biểu hiện này đều có chung một nguồn gốc, đó là chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên; là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với việc dồn sức, dồn lực chống giặc ngoại xâm, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu vẫn rất quan tâm đến công tác chống “giặc nội xâm”. Tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 05/9/1950, một phiên tòa đặc biệt đã diễn ra, gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu đã bị xử lý về tội ăn cắp công quỹ và nhiều tội khác. Đây được coi là vụ án điển hình về tham nhũng, cũng được xử làm điểm để răn đe. Trong khi nhân dân, chiến sỹ còn gặp muôn vàn khổ cực kháng chiến chống giặc, thương binh thì thiếu thuốc men, bông băng, hầu như hết chiến sỹ đều rách rưới, võ vàng vì đói rét thì Trần Dụ Châu đã ăn cắp công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến. Tại phiên tòa, Trần Dụ Châu đã cúi đầu nhận tội, Tòa án binh tối cao tuyên phạt án tử hình, đồng thời tước quân hàm Đại tá theo công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trần Dụ Châu đã gửi đơn lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin tha tội chết. Người đã cân nhắc rất kỹ và quyết định bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu và dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”…
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam diễn ra với tính chất, mức độ khác nhau nhưng ngày càng tinh vi hơn, là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) (tháng 2/2013) xác định “tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành…gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”. Trước tình hình đó, Hội nghị đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo; lập lại Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy là cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng; Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, với mong muốn tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Từ đó đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đáng chú ý, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" thể hiện qua những “con số biết nói”. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, đã có 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân. Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Cũng trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022). Riêng án tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ và hơn 2 lần về số bị can. (Theo Bài viết: Năm 2023, kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đăng trên Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (Tác giả: Hiền Hòa))
Có thể thấy, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta trong thời gian qua rất rõ ràng và minh bạch. Thế nhưng, các đối tượng thù địch và cơ hội chính trị vẫn tìm cách xuyên tạc sự thật, cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam lợi dụng chống tham nhũng để “hạ bệ lẫn nhau”, phe này “đánh” phe kia”; “Việt Nam chống tham nhũng nửa vời”; “Tham nhũng, càng chống, càng tăng”; “Nếu cứ tiếp tục chống tham nhũng thì Việt Nam sẽ hết cán bộ”… Chúng vu cáo công cuộc phòng, chống tham nhũng chỉ là hình thức, không có kết quả, thiếu dân chủ, đâu lại vào đó… Chúng tung ra nhiều quan điểm, luận điệu xuyên tạc hết sức tinh vi, xảo trá nhằm làm giảm sút, xói mòn niềm tin của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo. Từ đó, đòi phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, kích động tâm lý bất mãn trong một bộ phận quần chúng, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm đó, chúng tận dụng triệt để Internet, mạng xã hội để tuyên truyền, phát tán những Clip, bài viết tập trung vào những vụ việc vi phạm kỷ luật của một số cán bộ, đảng viên, bình luận tiêu cực về nguyên nhân dẫn đến thoái hóa, biến chất, nguyên nhân dẫn đến sai phạm; từ đó hướng lái dư luận, gieo rắc các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng các vụ việc trên; gây hoài nghi trong dư luận nhân dân; nhằm phủ nhận những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta và kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây là những luận điệu mang tính xuyên tạc, kích động, bởi lẽ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi tham nhũng như “giặc nội xâm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã chỉ ra rằng, nhiệm vụ chống lại tham nhũng “cũng cần kíp như đánh giặc trên mặt trận”. Đảng ta đã nhận thấy tham nhũng gây ra rất nhiều hậu quả to lớn, trở thành vật cản lớn cho thành công của công cuộc đổi mới, làm tổn hại thanh danh, uy tín của Đảng, xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quan trọng nhất, tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do đó, Đảng ta xác định, công tác phòng chống tham nhũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
Phải khẳng định rằng, những kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian qua đã góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Điều đó cũng làm cho các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Do đó, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua thể hiện rõ dã tâm chính trị hòng hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng; chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều biện pháp như: chế độ tiếp dân, công khai số điện thoại đường dây nóng để nhân dân trực tiếp phản ánh, tố cáo những hành vi quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt. Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta thực hiện rất quyết liệt, trên tinh thần “thượng tôn pháp luật” và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; công tác điều tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Nhiều công dân kịp thời phản ánh, tố giác những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, chính quyền... góp phần tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh này; nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực đã được xử lý nghiêm minh, tạo sức răn đe. Vì vậy, luận điệu vì xã hội ta thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công là hoàn toàn sai lệch. Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đối với lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên, quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh đã phổ biến, quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, tội phạm về tham nhũng, tiêu cực. Chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với lực lượng Công an trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ Công an tỉnh. Công an tỉnh Hưng Yên đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do đồng chí Giám đốc làm Trưởng ban; chỉ đạo triển khai Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Ban chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường với vai trò chủ công đã làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh. Quán triệt quan điểm của Đảng về đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, cán bộ chiến sỹ đơn vị đã tăng cường nắm tình hình, bám sát cơ sở, chú trọng làm tốt công tác dân vận, kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án liên quan đến các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân. Các vụ án đều được tiến hành xác minh, điều tra theo đúng trình tự tố tụng và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường điều tra vụ án giả mạo trong công tác và Nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Hưng Yên và Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89-05D
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; thủ đoạn và các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch sẽ ngày càng gia tăng, tinh vi và xảo quyệt hơn. Vì vậy để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần chú trọng triển khai, thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, hậu quả, tác hại và những diễn biến mới về phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động khi đưa ra các thông tin, luận điệu chống phá. Từ đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân phân biệt được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, thông tin xấu, độc hại, góp phần tạo “sức đề kháng” và “miễn dịch” trước các luận điệu sai trái, xuyên tạc, kích động.
Hai là, đẩy mạnh quán triệt và thực hiện các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có nhận thức đúng đắn với nhiệm vụ này. Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đây là sự định hướng chiến lược quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức, mỗi đảng viên là một chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng.
Ba là, mỗi tổ chức, cá nhân phải nhận thức rõ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của cả dân tộc do Đảng Cộng sản việt Nam lãnh đạo với tinh thần, kiên quyết phòng, chống, thẳng thắn, quyết liệt. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;…
Bốn là, lực lượng Công an quán triệt phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Năm là, tăng cường nắm tình hình, kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Chủ động lan tỏa thông tin tích cực, chính thống, định hướng dư luận xã hội nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tham nhũng, tiêu cực là một hiện tượng của xã hội, tính chất nguy hiểm của nạn tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến đội ngũ cán bộ, công chức; nếu không được ngăn chặn, loại bỏ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và gây cản trở đến sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Những nỗ lực không thể phủ nhận của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua chính là luận cứ thuyết phục, xác đáng nhất để khẳng định những chủ trương đúng đắn cùng sự quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đòi hỏi phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, bền bỉ với ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Phương Huyền – Công an tỉnh