Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt là các hoạt động quảng cáo trên không gian mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang có chiều hướng ra tăng nhằm chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ, cả tin gây bức xúc trong nhân dân.
Để đạt được mục đích nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường lợi dụng các tính năng về “theo dõi hành vi, thói quen người sử dụng” trên mạng xã hội để hình thành những nhóm hội cùng thói quen, cùng sở thích…từ đó đăng tải các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật như rao bán các hàng hóa nhạy cảm (bóng cười, thuốc lá điện tử, cần sa…); Quảng cáo thông qua KOLs như kinh doanh đa cấp, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đánh bạc, kêu gọi đầu tư tiền ảo, Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng giả mạo, kém chất lượng nhằm kiếm lợi bất chính, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hướng đến sức khỏe người tiêu dùng…Cùng với đó, các đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao giả mạo các trạm thu, phát sóng viễn thông BTS (Base Transceiver Station) của các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam để phát tán số lượng lớn các tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo Website đánh bạc trực tuyến, lừa đảo.., ngoài ra việc phát tán tin nhắn vi phạm pháp luật còn được các đối tượng lợi dụng trên nền tảng nhắn tin trực tuyến OTT (Zalo, Viber, Line, Telcgram, Facebook…).
Nguồn Internet
Ngoài ra, trong thời gian gần đây các nhà cái tổ chức đánh bạc ở nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước tiến hành các hoạt động quảng cáo truyền thống như: viết vẽ trang Web đánh bạc, đường Link…lên ghế đá, tường ở các khu công cộng, dán trên xe ô tô, trên các tấm biển quảng cáo khổ lớn, biển hiệu, nhà hàng, quán ăn…đã tạo dư luận xấu. Nhiều đối tượng còn lợi dụng việc tổ chức Hội thảo, triển lãm về ứng dụng công nghệ để quảng bá cho các sàn giao dịch ngoại hối quốc tế, kinh doanh theo phương thức đa cấp hoạt động trái phép tại Việt Nam và lôi kéo người dân tham gia đầu tư. Trên thực tế đã có nhiều vụ án lợi dụng sàn giao dịch ngoại hối nước ngoài, sàn ngoại hối không rõ nguồn gốc, sàn do các đối tượng tự tạo ra…trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Tính riêng năm 2023, lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện, xử lý 16 vụ liên quan đến quảng cáo trên không gian mạng (trong đó Quảng cáo game bài 09 vụ, thuốc lá điện tử (Pod) 05 vụ; giày dép giữ nhãn hiệu : 01 vụ, 01 vụ vận động giao nộp quần áo, mô hình súng lính VNCH).
Ảnh nguồn Báo CAND
Để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật do các đối tượng lợi dụng không gian mạng xã hội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dân, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng nói chung và các hoạt động quảng cáo trên không gian mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nói riêng. Tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm tình hình, thường xuyên rà soát trên không gian mạng nhằm phát hiện, thu thập thông tin, kịp thời đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm. Tập trung lực lượng đấu tranh, điều tra khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm ddoatj tài sản; phối hợp với các đơn vị chức năng truy tố, xét xử lưu động các vụ án liên quan đến tội phạm này để răn đe, phòng ngừa chung…Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến tận khu phố, tổ dân cư, tổ tự quản và người dân về phương thức, thủ đoạn đối tượng lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm nâng cao nhận thức trong Nhân dân nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận tin báo, tố giác của Nhân dân, đổi mới hình thức tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm.
Và hơn ai hết, người dân cần nâng cao cảnh giác khi tiếp xúc với các loại hình này, khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm cần báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời đấu tranh, xử lý nhằm bảo vệ tài sản của chính mình, đồng thời góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương./.
Phương Nhung