Ngày 5/12/2022, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh đã kiểm tra việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06 trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện Đề án 06 theo các nhiệm vụ, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Công an tỉnh - Cơ quan thường trực thực hiện Đề án 06 đã tích cực, chủ động tham mưu, phục vụ, tổ chức các cuộc họp của Tổ công tác tỉnh; tham mưu, triển khai các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai Đề án 06. Đồng thời, Giám đốc Công an tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Công an các đơn vị, địa phương thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Đề án 06 theo chức năng của lực lượng Công an.
Đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên
Đến nay, trên cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất hai hệ thống thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến và phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Đã tích hợp 1.182 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trên cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh cung cấp 1.281 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý trực tuyến tại Trung tâm đến nay đạt trên 55% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận. Triển khai 22/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06, số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, cổng dịch vụ công của tỉnh là: 102.852 hồ sơ (trong đó lực lượng Công an đã tiếp nhận: 74.731 hồ sơ).
Để thực hiện Đề án 06, từ đầu năm 2022, VNPT Hưng Yên đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện đăng ký thử nghiệm kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm yêu cầu kết nối theo chuẩn mới. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang thực hiện đánh giá, bổ sung hạ tầng để đáp ứng theo tiêu chí kỹ thuật; tiến tới khai thác chính thức Cổng Dịch vụ công – Hệ thống một cửa điện tử tỉnh Hưng Yên trên hạ tầng IDC và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tháng 12/2022. Tính từ ngày 01/01/2022 đến 30/11/2022, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận mới toàn tỉnh là 548.643 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tiếp là 313.720 hồ sơ; hồ sơ tiếp nhận trực tuyến 234.923 hồ sơ.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu kết luận buổi kiểm tra
Kết luận tại buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh khẳng định: Đề án 06 được triển khai với quy mô lớn, tác động sâu rộng tới các tầng lớp Nhân dân, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số, công dân số. Do đó, yêu cầu sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành và đơn vị chức năng. Các đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ bảo đảm thời gian, lộ trình, kế hoạch với tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Bảo đảm thực hiện chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình, giúp người dân, doanh nghiệp rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi.
Vũ Nhung