Nam sinh, thậm chí cả nữ sinh hùa nhau chửi bới, đánh hội đồng, lột đồ bạn học, quay clip rồi tung lên mạng... Những hành động hung hãn, vô văn hóa tưởng chừng như chỉ có trong phim ảnh ấy đã hiện hữu, xâm lấn làm hoen ố môi trường giáo dục và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của các nạn nhân. Hơn lúc nào hết, ngăn chặn bạo lực học đường là việc cần làm ngay, là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội.
Những thông tin, clip về các vụ đánh nhau của học sinh được chia sẻ trong thời gian qua đã và đang khiến dư luận lo ngại và phẫn nộ về sự gia tăng cùng tính chất côn đồ, hung hãn của đối tượng gây ra các vụ bạo lực học đường. Nạn nhân trong đa số các vụ việc thường là một người, bị một nhóm học sinh dùng chân tay đấm đá, cá biệt có vụ dùng hung khí (dao), mũ bảo hiểm... gây thương tích. Một số vụ, người xem quay lại video, chia sẻ rộng rãi hoặc phát livestream trên facebook, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, cuộc sống của nạn nhân, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Mặc dù các cấp, các ngành trong đó có lực lượng Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp và triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong các trường học và phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật hay các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có chế tài cụ thể trong giải quyết các vụ bạo lực học đường, chưa có quy định trách nhiệm cho từng cá nhân liên quan, nhất là đối với các trường hợp chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, do vậy, trên thực tế việc xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe.

.jpg)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, thời gian qua cũng đã xảy ra một số vụ bạo lực học đường, chủ yếu là do học sinh tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có mâu thuẫn trong quá trình học tập hoặc trong cuộc sống dẫn đến xô xát, đánh nhau. Tháng 3/2019, báo chí và mạng xã hội xôn xao trước video một em học sinh (khi đó đang học lớp 9 tại một trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Ân Thi) bị một nhóm bạn cùng lớp đánh đập, lột đồ rồi tung clip lên mạng. Clip đã được chia sẻ trên mạng xã hội và nhận về vô số các bình luận bày tỏ sự bức xúc. Nạn nhân của vụ việc trên sau đó đã phải nhập viện Tâm thần kinh Hưng Yên để điều trị ổn định tâm lý vì bị ám ảnh bởi trận đòn kinh hoàng do những người bạn học của mình gây ra.

Công an huyện Ân Thi làm việc với nữ sinh bị bạn đánh hội đồng
(Ảnh tư liệu)
Ngày 13/7/2020, tại khu vực cầu Địa thuộc địa phận xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, khi đang trên đường đi học về nhà, Vũ T.A, sinh năm 2002, ở xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ bị 1 nhóm học sinh khoảng 4-5 người dùng tay, chân đánh bị thương phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ. Ngày 14/11/2020, Nguyễn T.Đ, sinh năm 2004, ở xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên đi học về đến đoạn đường thuộc thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường, Kim Động thì bị Phan Đ.P, sinh năm 2004 ở xã Hiệp Cường, Kim Động dùng dao chém vào chân gây thương tích phải điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.
Mới đây, tại huyện Khoái Châu đã xảy ra vụ việc 2 học sinh nữ đánh nhau tại sân vận động của xã An Vỹ. Clip của vụ việc đã được đăng tải trên facebook vào tối ngày 25/01/2021.
Có thể thấy, bạo lực học đường đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho các em học sinh khi đến trường. Sau mỗi vụ ẩu đả, các nạn nhân không chỉ phải chịu những chấn thương về thể chất, mà còn cả những tổn thương về tinh thần, khiến các em có tâm lý “sợ đi học”, thậm chí đã có những trường hợp các em bị đánh đến tử vong, hoặc tự tìm đến cái chết sau khi bị bạn bè đánh đập, chửi bới. Bản thân các em cũng thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng chống và xử lý các tình huống liên quan đến bạo lực học đường, do vậy thường im lặng chịu đựng để rồi rơi vào trạng thái trầm cảm dẫn đến học hành sa sút.
Trước tình hình trên, Giám đốc Công an tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường. Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về triển khai thi hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ “Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường” và Quy chế giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo về “Phối hợp thực hiện công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”. Giao phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an các huyện, thành phố, thị xã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống bạo lực học đường và hậu quả, tác hại của bạo lực học đường để nhân dân, phụ huynh và học sinh nâng cao nhận thức; tăng cường quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho con em mình. Tuyên truyền trong học sinh, sinh viên để các em tự giác chấp hành pháp luật, không thực hiện các hành vi gây thương tích, xâm hại sức khỏe người khác. Các đơn vị nghiệp vụ và Công an huyện, thành phố, thị xã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục để có biện pháp xử lý, không để phát sinh bạo lực học đường. Tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo và phối hợp với các ngành chức năng phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trong các cơ sở giáo dục. Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt bạo lực học đường cần có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội. Đã đến lúc pháp luật và ngành giáo dục phải có những biện pháp mạnh tay đối với các hành vi bạo lực diễn ra trong học đường. Các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình cần quan tâm, giáo dục học sinh và con em mình; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong phòng chống bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên. Đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp, quản lý chặt chẽ, giáo dục về lối sống, đạo đức, pháp luật cho học sinh; chủ động phát hiện, răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên và học sinh có hành vi liên quan đến bạo lực học đường để giáo dục, phòng ngừa chung. Chung tay đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường là góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục, vì những thế hệ tương lai của đất nước.
Phương Huyền – Công an tỉnh