Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Đăng ngày: 29/01/2024 - Lượt xem: 328
Phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong quá trình xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 28/11/2023 với đa số đại biểu biểu quyết tán thành và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Đây là dự án Luật quan trọng nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là tại địa bàn cơ sở, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Quá trình xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ Công an đã chủ trì, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và quần chúng nhân dân về dự án Luật. Ban đầu, khi dự án Luật được soạn thảo với những vấn đề mới rất cần sự quan tâm đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện; đồng thời, cũng sẽ có những ý kiến khác nhau, tán thành hay chưa tán thành nội dung, vấn đề nào đó là bình thường. Tuy nhiên, một số đối tượng phản động, cơ hội chính trị hoặc những cá nhân vì động cơ sai lệch đã lợi dụng vấn đề này để đẩy mạnh việc công kích, xuyên tạc, chống phá xây dựng dự án Luật; đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm dẫn dắt, hướng dư luận, tạo ra nhận thức lệch lạc, suy giảm niềm tin, kích động tâm lý, thái độ phản đối, chống phá đối với dự án Luật. Từ việc xuyên tạc nội dung trong dự án luật, các đối tượng hướng đến bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang, bôi nhọ chính sách quốc phòng, an ninh; chống phá chế độ, Đảng và Nhà nước.

Các quan điểm sai trái nêu trên hoàn toàn vô căn cứ, mang tính áp đặt, cực đoan. Đây là những luận điệu hết sức nguy hiểm, phản động của các thế lực thù địch, gây tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu giữ vững sự ổn định và bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Có thể khẳng định Bộ Công an đề xuất xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một giải pháp đúng đắn, cấp thiết, nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề sau:

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tiếp tục xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Hai là, đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện và giới hạn phạm vi, cách thức thực hiện để tránh việc lạm dụng, tùy tiện xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Ba là, sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay theo quy định của pháp luật (lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng) thành một lực lượng thống nhất mà không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách nhà nước; qua đó, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng, góp phần kiện toàn, tinh gọn đầu mối; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn cơ sở.

Bốn là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; trong đó, nòng cốt là tăng cường hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở là yêu cầu cần thiết.

Trước khi Quốc hội thông qua, dự án Luật đã được Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội; ý kiến tham gia của các cơ quan Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân; cơ quan, tổ chức có liên quan, kết hợp với kết quả của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Tại tỉnh Hưng Yên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã ban hành các Kế hoạch tuyên truyền dự án luật do Bộ Công an chủ trì soản thảo trình Quốc hội Khóa XV, trong đó có dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tổ chức Hội nghị tuyên truyền, lấy ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh, các Trang Zalo của Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh để tuyên truyền sâu rộng về các dự thảo Luật, diễn biến, kết quả thảo luận về các dự án Luật của đại biểu Quốc hội Khóa XV tại các kỳ họp... để quần chúng nhân dân có thể nghiên cứu, tìm hiểu và có nhận thức đúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản luật.

Hiện nay, Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với dự thảo Nghị định, dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời, Công an tỉnh Hưng Yên đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật để đảm bảo các văn bản có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Luật.

Mẫu Huy hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

(theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở)

Mẫu Phù hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

(theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở)

Thời gian tới, trước khi Luật có hiệu lực thi hành, để Luật nhanh chóng đi vào đời sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở cần nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các đơn vị chức năng cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của luật, hướng dẫn thi hành chi tiết các điều luật để các văn bản luật đảm bảo hiệu lực thi hành đồng bộ.

Hai là, trong quá trình triển khai, thi hành luật cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chống chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, những khó khăn, bất cập để từ đó, kiến nghị, đề xuất hoàn thiện.

Ba là, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là việc truyền thông các chính sách mới của luật để mọi tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng đắn về các quy định mới của luật, ủng hộ các cơ quan chức năng trong qua trình triển khai thi hành luật.

Bốn là, nắm bắt kịp thời các quan điểm, ý kiến đánh giá, phản hồi của người dân về những chính sách, quy định mới của luật, nhất là những quy định có nhiều ý kiến chưa thống nhất để có biện pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật phù hợp./.

Đội Pháp chế và quản lý khoa học

- Phòng Tham mưu Công an tỉnh

Tin liên quan