Trong khi người dân cả nước đang hăng hái đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2023, thì nhiều đối tượng cơ hội chính trị đăng tải các luận điệu xuyên tạc về nội dung, ý nghĩa của dự thảo luật cũng như chống phá hoạt động lấy ý kiến nhân dân.
Ngày 06/01/2023, Văn phòng Quốc hội công bố Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang được tổ chức lấy ý kiến Nhân dân gồm 16 chương, 236 điều, với mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế, và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực và tạo động lực để phát triển đất nước. Chỉ trong một thời gian ngắn được triển khai, đã có hàng trăm ý kiến của nhân dân ở trong và ngoài nước được gửi về các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tổng hợp. Có thể khẳng định rằng, việc lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai đã cho thấy tinh thần dân chủ, cầu thị, nghiêm túc của những người làm luật với mong muốn được lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân, những ý kiến góp ý đúng đắn, qua đó, đưa ra được những quy định bảo đảm chặt chẽ, sát hợp thực tiễn và tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho Nhân dân trong giải quyết các vấn đề liên quan. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai của các cấp, ngành.
Thế nhưng, trong khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang được các bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua thì bên cạnh những ý kiến đóng góp khoa học, thiết thực và hiệu quả, có những đối tượng phản động, cơ hội, lợi dụng chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để xuyên tạc, chống phá.
Lợi dụng việc góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nhiều đối tượng xuyên tạc, chống phá (Ảnh: sưu tầm)
Ngay sau khi việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được triển khai, trên một số trang mạng xã hội đã phát tán thông tin sai lệch, tiêu cực, kích động gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin trong cộng đồng. Ngoài ra, chúng liên tục đăng tải những bài viết liên quan đến “câu chuyện” đất đai, xới lại những vụ việc đã xảy ra từ lâu, như những sai phạm về thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng… Từ đó, nhằm dùng hiện tượng làm lu mờ bản chất, tạo nên cái nhìn tiêu cực, lệch lạc, nhằm gây ác cảm trong xã hội đối với việc góp ý dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi).
Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn không ít vướng mắc trong quản lý đất đai tại Việt Nam. Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm tháo gỡ những vướng mắc ấy. Trong đó có các quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể trong việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, Luật Đất đai sửa đổi cũng hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo nghề, tạo việc làm để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước.
Các đối tượng chống phá còn xuyên tạc cho rằng “Luật Đất đai mới sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cướp đất của chính quyền cộng sản”. Họ “kiến nghị” rằng “để gỡ rối đất đai phải xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai”. Có lẽ họ không biết rằng bản chất của vấn đề đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, là việc Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình…
Các thế lực thù địch còn cố tình đăng tải các câu chuyện liên quan đến những tiêu cực, các vụ án về tranh chấp đất đai, từ đó tạo ra luồng suy nghĩ tiêu cực khiến người dân bất hợp tác, không tin tưởng vào hiệu quả của việc lấy ý kiến cho dự thảo, hiểu sai về các chính sách của Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng sự phổ biến thông tin nhanh, số lượng người truy cập lớn trên nền tảng mạng xã hội, các thế lực thù địch cũng liên tục lập những tài khoản ảo, tài khoản giả mạo, tự đăng tải bài viết rồi lại tự đóng vai là người dân để comment, cổ xúy quan điểm sai trái, từ đó hướng lái dư luận, để mọi người hiểu sai bản chất vấn đề, cho rằng việc lấy ý kiến Nhân dân chỉ là hoạt động mang tính hình thức, tạo tâm lý hoang mang và gây mất lòng tin, dẫn đến bất hợp tác với chính quyền.
Sở dĩ Luật Đất đai sửa đổi nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội bởi hơn bất kỳ quy định nào khác, luật “gắn bó” với mọi người, mọi nhà và trong đời sống thường xuyên phát sinh các quan hệ dân sự lẫn hình sự xung quanh vấn đề về đất đai. Về cơ bản, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đảm bảo tính kế thừa Luật Đất đai 2013, thể chế hóa được các quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết quan trọng tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; cũng như các giải pháp liên quan đến đất đai để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Thời gian qua, sau khi tổ chức lấy ý kiến, các cấp, ngành đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi sâu sắc, tích cực và hết sức chất lượng, qua đó cho thấy sự cần thiết và ý nghĩa to lớn của việc làm này. Ðiều này không chỉ nhằm phát huy quy chế dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, mà còn là sự huy động trí tuệ nhiều người, tích hợp được nguyện vọng của số đông, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật.
Có thể khẳng định, không chỉ riêng Việt Nam, tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đều xếp đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Mục đích của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này như trong Tờ trình của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội là nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân khi tiếp cận với thông tin, tài liệu tán phát trên mạng cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt; tránh bị cuốn theo những giọng điệu xảo trá của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin với Đảng và Nhà nước.
Vũ Nhung