Tin tức, sự kiện
Đăng ngày: 18/08/2021 - Lượt xem: 1631
Tài liệu Tuyên truyền Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Vừa qua, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với Cục Công tác Đảng và công tác chính trị - Bộ Công an ban hành Tài liệu tuyên truyền “Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” (10/8/1956 – 10/8/2021).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh trân trọng đăng tải một số nội dung chính của tài liệu:

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên triệt phá vụ bạc, thu giữ hơn 700 triệu đồng (Tháng 2/2021)

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên bắt giữ đối tượng sử dụng "sổ đỏ" giả để lừa đảo chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng

Ngày 31/7/2006, Bộ Công an có Quyết định số 899/2006/QĐ-C11(C28) xác định “Ngày 10/8/1956 là ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (sau đổi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu)”. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Công an các cấp, cùng sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các lực lượng trong và ngoài ngành, sự ủng hộ to lớn của nhân dân, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, ổn định, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang, hun đúc nên truyền thống anh hùng của lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng và lực lượng Công an nhân dân Việt Nam nói chung.

PHẦN I

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG CỦA LỰC LƯỢNG CSĐT TỘI PHẠM VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ, BUÔN LẬU

I. Công tác phòng, chống tội phạm kinh tế phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc (1945 - 1956)

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (02/9/1945), chính quyền cách mạng còn non trẻ vừa được thành lập đã gặp muôn vàn khó khăn do giặc đói, giặc dốt và nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh, lại phải đương đầu với nhiều kẻ thù có thế và lực mạnh (quân đội Tưởng Giới Thạch kéo vào miền Bắc, quân Anh vào miền Nam và núp bóng quân Anh là thực dân Pháp). Vận mệnh của dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước tình hình đó, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát động nhiều phong trào nhằm phục vụ quốc phòng và cứu đói, chống nạn thất học. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Nhân dân tham gia đóng góp cho tài chính đất nước với hình thức tự nguyện, như “Quỹ độc lập”, “Quỹ kháng chiến”, “Quỹ bình dân học vụ”, “Quỹ giải phóng quân”, “Ngày Nam Bộ”… Đặc biệt, phong trào “Tuần lễ vàng” tổ chức từ ngày 17/9/1945 đến 24/9/1945 đã huy động được 20 triệu đồng và 370 kg vàng góp phần giải quyết khó khăn về tài chính, ngân quỹ quốc gia.

Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, Công an nhân dân (CAND) ra đời với tên gọi của những tổ chức Công an Việt Nam đầu tiên ở 3 miền là: Sở Liêm phóng ở Bắc Bộ; Sở Trinh sát ở Trung Bộ; Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam Bộ. Đến ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát, Quốc gia tự vệ cuộc trong toàn quốc thành “Việt Nam Công an Vụ” nằm trong Bộ Nội vụ.

Trên cơ sở các sắc lệnh của Chính phủ, lực lượng Công an toàn quốc phối hợp với các ngành kinh tế, thuế quan lập các kế hoạch triển khai thực hiện, qua đó đã phát hiện, điều tra khám phá thành công nhiều vụ án kinh tế . Nhiều phong trào thi đua yêu nước lần lượt xuất hiện trong giai đoạn này như phong trào: “Bảo mật phòng gian”, “Ba xây, ba chống”, “Bảo vệ trị an” cũng đã được phát động và triển khai thực hiện mạnh mẽ, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp hành chính, huy động cán bộ các ngành và đông đảo quần chúng tham gia đấu tranh chống tội phạm và mọi hành vi vi phạm luật pháp nhà nước, trong đó có tội phạm về kinh tế. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban Công an tiền phương được thành lập và huy động lực lượng tới mức tối đa nhằm bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, bảo vệ kho tàng… Qua đó đã góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về kinh tế và công tác chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp nhanh chóng giành thắng lợi.

Như vậy, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy chưa thành lập lực lượng Cảnh sát kinh tế chuyên trách, nhưng dưới sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), lực lượng Công an các cấp đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao đã phát hiện, xử lý nhiều vụ phạm tội về kinh tế, nhất là buôn lậu, tham ô, làm tiền giả… Qua công tác đấu tranh, bước đầu đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế cho các giai đoạn sau này.

2. Sự ra đời và đóng góp của lực lượng Cảnh sát kinh tế trong sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1954 - 1975)

Sau khi Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) “Về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” được ký kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân ở miền Bắc cùng với toàn dân bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ để giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất đất nước. Kinh tế - xã hội nước ta trong giai đoạn này đã có bước phát triển mạnh, khối lượng tài sản, vật tư hàng hóa ngày càng lớn, trong khi trình độ quản lý kinh tế còn rất hạn chế. Do đó, nạn tham ô, lãng phí, nạn đầu cơ do sự chênh lệch lớn của cơ chế 2 giá (giá phân phối theo kế hoạch, theo tem phiếu và giá tự do)… xuất hiện ngày càng nhiều gây cản trở việc khôi khục, cải tạo và xây dựng kinh tế của đất nước, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Ngày 10/8/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư xác định tổ chức ngành Cảnh sát nhân dân, trong đó ghi rõ: “Cảnh sát kinh tế phụ trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ”. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng Cảnh sát kinh tế.

Cùng yêu cầu thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ Công an đã quyết định thành lập lực lượng chuyên trách trong đấu tranh chống tội phạm kinh tế (năm 1958, thành lập Cục bảo vệ kinh tế và đồng chí Ngô Minh Loan được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng; ngày 10/5/1958 Bộ Công an có Quyết định thành lập Phòng chống tham ô trong Vụ trị an dân cảnh); ngày 29/9/1961, Chính phủ ban hành Nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an. Với lực lượng chuyên sâu, công tác bảo vệ tài sản nhà nước, quản lý thị trường, chống tham ô, đầu cơ trong giai đoạn này đạt hiệu quả cao, nhiều vụ án kinh tế lớn được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử .

3. Lực lượng Cảnh sát kinh tế trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp (1976 - 1986)

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, giai đoạn cả nước cùng thực hiện một chiến lược chung: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế tham gia cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở các tỉnh phía Nam mà trọng điểm là Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều tư sản mại bản; tham gia thanh lý các kho hàng thế chấp, tín chấp của ngân hàng cũ với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Để đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước chú trọng quan tâm xây dựng lực lượng Công an từng bước tiến lên chính quy, hiện đại. Ngày 02/12/1980, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Nghị quyết đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát kinh tế là “…bảo vệ tài sản XHCN, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN…”.

Ngày 20/12/1981 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định “Quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Cảnh sát kinh tế”. Theo đó, Cục Cảnh sát kinh tế trực thuộc Tổng cục Cảnh sát nhân dân, có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân chỉ đạo, chỉ huy lực lượng Cảnh sát kinh tế trong cả nước tiến hành đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, khám phá hoạt động của bọn xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và bọn đầu cơ, buôn lậu, phá rối thị trường, theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Như vậy, từ đây lực lượng Cảnh sát kinh tế chính thức có tổ chức, bộ máy thống nhất từ Bộ Công an đến Công an các địa phương.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát nhân dân và Công an các địa phương, lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp đề ra nhiều chủ trương, chính sách phục vụ công tác phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, tội phạm; đồng thời, phát hiện điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn, tập trung vào tội buôn lậu, kinh doanh trái phép, đầu cơ… góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.

4. Lực lượng Cảnh sát kinh tế trong giai đoạn đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (1986 - 2005)

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế; đồng thời phát hiện, điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.

Với lực lượng chuyên trách từ Trung ương đến cơ sở, cùng sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát nhân dân, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện điều tra khám phá thành công nhiều vụ án kinh tế lớn được lãnh đạo các cấp và dư luận quan tâm, có tác động đến toàn quốc. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, từ ngày 17/10 đến 18/10 năm 1996, Cục Cảnh sát kinh tế tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ nhất nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Cục Cảnh sát kinh tế. Hội nghị đã vinh dự được đón đồng chí Lê Khả Phiêu, Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị đến dự và phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh gửi thư chúc mừng. Sau Hội nghị, Cục Cảnh sát kinh tế đã phát động phong trào thi đua học tập, quán triệt và vận dụng vào thực tiễn phòng, chống tội phạm kinh tế.

Năm 2004, đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng của lực lượng Cảnh sát kinh tế khi triển khai thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Cục Cảnh sát kinh tế đổi tên thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ với chức năng, nhiệm vụ, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ; trực tiếp điều tra các vụ án về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng, góp phần bảo vệ an ninh trật tự. Từ khi thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự 2004, lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã phát hiện, trực tiếp điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và quần chúng nhân dân đánh giá cao.   5. Lực lượng Cảnh sát kinh tế trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực hội nhập và phát triển (2006 - 2021)

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, sự đan xen giữa tội phạm kinh tế và tội phạm tham nhũng cùng với yêu cầu gắn kết, phát huy hiệu quả giữa công tác trinh sát với công tác điều tra tố tụng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng trong tình hình mới, ngày 7/4/2015, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định hợp nhất Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ với Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng thành Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng. Đồng thời, trước diễn biến phức tạp của tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới, được sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã xây dựng Đề án đề xuất và Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về buôn lậu.

Trong giai đoạn này, lực lượng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng phát hiện, điều tra khám phá thành công các vụ án, nhất là các vụ án lớn trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm có ý nghĩa rất lớn về chính trị - kinh tế - văn hóa- xã hội - đối ngoại, được Đảng, Chính phủ, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, điển hình như việc nhanh chóng khám phá vụ án tại Ban Quản lý dự án đường sắt đã giúp Chính phủ đàm phán nối lại Viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam; qua điều tra vụ án Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh là những đối tượng điển hình, cầm đầu, đã kịp thời ngăn chặn hành vi phi pháp nhằm mục đích, thâu tóm lũng đoạn ngân hàng thương mại cổ phần, phục vụ cho lợi ích nhóm, thao túng thị trường tài chính - tiền tệ, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn, an ninh hệ thống tài chính - tiền tệ và nền kinh tế. Đây cũng là lần đầu tiên việc điều tra, xử lý 1 vụ án kinh tế được nêu trong văn kiện của Trung ương (Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI của Đảng). Những kết quả đó đã góp phần quan trọng tạo môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Năm 2018, trước yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Bộ Công an ban hành Đề án triển khai thực hiện với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Theo đó, mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh sát kinh tế có nhiều thay đổi để đáp ứng yêu cầu.

Ngày 6/8/2018, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định hợp nhất Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về buôn lậu thành Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là Cục Cảnh sát kinh tế).

Quá trình triển khai mô hình tổ chức mới, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đổi mới nhận thức và tổ chức thực hiện công tác nghiệp vụ theo lĩnh vực xuyên suốt đã tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu với việc khám phá nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt lớn, nghiêm trọng, phức tạp trong các lĩnh vực mới như giao thông, thông tin, truyền thông như các vụ án xảy ra tại Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dự án Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, đã khởi tố nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone liên quan đến mua Công ty truyền thông AVG gây thiệt hại gần 8.000 tỷ đồng, đã khởi tố 2 nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; vụ án xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO)… đây là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và dư luận quan tâm; đồng thời, triệt phá nhiều tổ chức đường dây buôn lậu lớn như đường dây buôn lậu tại Công ty Nhật Cường, Hà Nội; đường dây buôn lậu do Trịnh Đức Thọ (tức Thọ vâu) cầm đầu tại Lạng Sơn… Những kết quả đó đã góp phần ổn định an ninh trật tự, bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Cuối năm 2019, đầu năm 2020, xảy ra những diễn biến khó lường, nhất là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, tác động ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội; trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội, nhiều đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu với “đầu tàu” là Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã chủ động nhận diện, dự báo sát, trúng, đúng tình hình và triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, kịp thời nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới trong các hoạt động kinh tế để tập trung đấu tranh.

Giai đoạn này, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng điểm có tác dụng lan tỏa; qua đó đã phát hiện sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị, đề xuất giải pháp xóa bỏ các nguyên nhân phát sinh, điều kiện phát triển của tội phạm. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, đôn đốc, tham mưu giải quyết triệt để các vụ án tồn đọng, kéo dài và khó khăn, vướng mắc; các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Những kết quả, chiến công của lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, ổn định, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

PHẦN II

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG, LỰC LƯỢNG CSĐT TỘI PHẠM VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ, BUÔN LẬU QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN VÀO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

 

  Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu luôn khẳng định vị trí hết sức quan trọng trong lực lượng Công an nhân dân. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, nhiệm vụ cách mạng khác nhau, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, phấn đấu vươn lên, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, gắn bó mật thiết với quần chúng Nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, vì sự nghiệp của Đảng, vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.

Với những chiến công, thành tích xuất sắc đạt được trong 65 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an cùng các Bộ, Ngành, Chính quyền địa phương tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng Công an nhân dân là: “Đoàn kết, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”. lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn sau đây:

- Nhất quán từ nhận thức đến hành động, kiên trì, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu theo phương châm “Lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài; đấu tranh là trọng tâm, thường xuyên, cấp bách” góp phần đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng, ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

- Xây dựng lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới với trách nhiệm cao, tận tụy, tâm huyết với công việc, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, luôn thấm nhuần và thực hiện tốt lời đúc kết thực tiễn đã trở thành chân lý mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 (năm 2018): “Mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND phải khắc sâu vào tâm trí của mình và thực hiện cho bằng được chân lý vì nước quên thân, vì dân phục vụ, chỉ biết còn Đảng là còn mình, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. 

- Đổi mới tư duy, nhận thức, nhận diện một cách đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, đối tượng đấu tranh, phương thức, thủ đoạn tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong tình hình mới:

- Triển khai quyết liệt các giải pháp để chủ động phòng ngừa và kéo giảm tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

- Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác xây dựng lực lượng và tăng cường tiềm lực cho lực lượng Cảnh sát kinh tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới: Đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” với trách nhiệm nêu gương; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sỹ; nâng cao năng lực công tác… nhằm xây dựng lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu theo phương châm: “Vững về chính trị, pháp luật; Giỏi về nghiệp vụ, thông thạo kiến thức quản lý kinh tế; Nghiêm về kỷ cương, kỷ luật; Đẹp về đạo đức, tác phong”. 

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đạt được nhiều thành tích, chiến công; xứng đáng với vai trò của một trong những đơn vị nghiệp vụ trọng yếu của lực lượng Công an nhân dân. Thời gian tới, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đoàn kết, thống nhất vượt mọi khó khăn, thử thách, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

Tin liên quan