Bài viết phân tích, đánh giá những kết quả của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, xác định những nhiệm vụ, công tác trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ, diện tích tự nhiên khoảng 924 km2, dân số trên 1,2 triệu người, có 10 huyện, thành phố, thị xã với 161 xã, phường, thị trấn; tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình. Có 05 tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài trên 130km (Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 26,55km; Quốc lộ 5 dài 22,56km, Quốc lộ 39 dài 45km, Quốc lộ 38 dài 18km, Quốc lộ 38B dài 18,2km); 13 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài trên 310km; 62 tuyến đường huyện với tổng chiều dài trên 370km; ngoài ra, tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 27 km. Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 18 km, đi qua địa phận 07 xã và 01 thị trấn của huyện Văn Lâm. Đường thủy nội địa có 02 tuyến sông Trung ương là sông Hồng, sông Luộc chảy qua với tổng chiều dài trên 90km và 04 tuyến sông nội tỉnh. Thời gian qua, quá trình đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt liên tỉnh trên địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư trong, ngoài nước, tuy nhiên cũng kéo theo sự gia tăng về số lượng, chủng loại các phương tiện tham gia giao thông, làm phát sinh nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nổi lên là gia tăng tai nạn giao thông. Do vậy, bảo đảm TTATGT, làm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương và lực lượng Công an.
Thực tiễn cho thấy, TTATGT là một trong những tiêu chí quan trọng phản ánh tiềm lực kinh tế, năng lực quản lý và mức độ văn minh của mỗi địa phương; sự phát triển của một địa phương phụ thuộc rất lớn vào quy mô tổ chức hoạt động giao thông và yêu cầu bảo đảm TTATGT. Chính vì vậy, khi đề cập đến vị trí, tầm quan trọng của giao thông và bảo đảm TTATGT trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giao thông là mạch máu của tổ chức”, “Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trễ”, “Giao thông vận tải rất quan trọng, quan trọng đối với chiến đấu, đối với sản xuất, đối với đời sống của nhân dân... Thi đua làm cho giao thông: Một là thông suốt, hai là an toàn, ba là liên tục”. Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước, Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao điều chỉnh lĩnh vực này, điển hình như: Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; Thông tư số 118/2021/TT-BCA ngày 06/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc cải tạo xe cơ giới trong Công an nhân dân; Thông tư số 10/2022/TT-BCA ngày 01/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về dẫn đường các đoàn trong nước và khách nước ngoài đến Việt Nam...
Đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra quân
Cán bộ chiến sỹ ra quân triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông
Giám đốc Công an tỉnh đến thăm, kiểm tra công tác thường trực chiến đấu và chúc Tết cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên những năm qua, bám sát và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thể hiện trên các mặt công tác sau đây:
Một là, chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung như tuyên truyền và tuyên truyền lưu động tại trường học, khu dân cư, trên các tuyến đường, khu vực phức tạp... hoặc tuyên truyền trực tiếp thông qua công tác TTKS, xử lý vi phạm; xây dựng, đăng phát các tin bài, phóng sự về công tác bảo đảm TTATGT, nội dung, kết quả thực hiện các chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, quá khổ, quá tải, gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo đảm TTATGT, những hình ảnh đẹp về cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông... qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân để cùng lực lượng Công an và các lực lượng liên quan tham gia bảo đảm TTATGT tại địa bàn.
Hai là, đã huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, phương tiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT; tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động vào các giờ cao điểm và ở các điểm phức tạp; tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng, hành vi vi phạm theo các chuyên đề, vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông như điều khiển phương tiện tham gia giao thông vượt quá tốc độ quy định; vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; điều khiển xe lạng lách, đánh võng; không có giấy phép lái xe..., hoạt động vận chuyển hàng hóa, khai thác tài nguyên khoáng sản trên đường thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm,... Năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xử lý tổng số 10.620 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 26,02 tỷ đồng.
Ba là, triển khai lực lượng, tổ chức công tác dẫn đoàn, bảo đảm tuyệt đối trật tự, an toàn giao thông phục vụ tổ chức nhiều sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc và đi qua địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong dịp tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Bốn là, quán triệt và thực hiện tốt phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ”, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lĩnh vực đăng ký xe, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia; đơn giản hóa các thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin như triển khai phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, đường truyền đăng ký phương tiện, xử lý vi phạm, tại nạn giao thông tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện, cấp xã kết nối với Cục Cảnh sát giao thông. Triển khai hệ thống “Camera giám sát an ninh, trật tự và TTATGT trên địa bàn tỉnh”, tiến hành “phạt nguội” thông qua hệ thống Camera; phân cấp đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đến Công an cấp huyện, cấp xã tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhân dân.
Năm là, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản trong bảo đảm TTATGT và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Thường xuyên bổ sung, cập nhật thông tin, tài liệu vào hồ sơ ĐTCB các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản; trên cơ sở đó phân tích, đánh giá những vấn đề nổi lên ở từng địa bàn để đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp. Rà soát các loại hồ sơ công tác nghiệp vụ cơ bản, đề xuất kết thúc, thanh loại hoặc chuyển loại theo quy định tại Thông tư số 16 của Bộ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về công tác nghiệp vụ cơ bản và quản lý, sử dụng mật phí của lực lượng CSND. Thực hiện tốt công tác xây dựng, sử dụng CSBM phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, các đối tượng sưu tra, các tuyến, lĩnh vực được phân công ĐTCB đều được bố trí CSBM theo dõi, quản lý.
Sáu là, thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia đảm bảo TTATGT. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản về bảo đảm TTATGT để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT, trong đó có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: Tổ tự quản Cựu chiến binh giữ gìn trật tự, an toàn giao thông thị trấn Lương Bằng, xã Hiệp Cường - huyện Kim Động, Tổ tự quản thị trấn Trần Cao - huyện Phù Cừ, Tổ tự quản xã Tân Lập - huyện Yên Mỹ...
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên lên đường làm nhiệm vụ
Những kết quả trên đã góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn song kinh tế của tỉnh phục hồi và tăng trưởng nhanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,4%, đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 12 năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách đạt 51.400 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5%, GRDP bình quân đầu người 102,3 triệu đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư và phát triển nhanh. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và chính sách an sinh xã hội được quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tai nạn giao thông tuy đã được kiềm chế và giảm nhưng chưa bền vững (Năm 2022 xảy ra 148 vụ, làm 108 người chết, 121 người bị thương, giảm 04 vụ, 04 người chết; tăng 12 người bị thương so với cùng kỳ năm 2019; tăng 03 vụ, 03 người chết, 08 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021); vẫn còn tình trạng vi phạm về hành lang an toàn giao thông, nhất là ở các đoạn đường qua khu đông dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, chợ, ngã ba, ngã tư…; tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải trọng, cơi nới thành thùng còn diễn ra trên một số tuyến, địa bàn, nhất là tại các tuyến đường, địa bàn đang san lấp mặt bằng thực hiện các dự án...
Thời gian tới, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ, phát triển đa dạng hơn nữa các loại hình giao thông, nhất là chú trọng quy hoạch đô thị, xây dựng các tuyến đường cao tốc, vành đai đi qua địa bàn tỉnh Hưng Yên. Mặt khác, trước những tác động khách quan của sự gia tăng mật độ dân cư và phương tiện giao thông, việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh dự báo tình hình TTATGT sẽ có những diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Bối cảnh nêu trên đã và đang đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng Cảnh sát giao thông. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhằm góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cần tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đối với công tác bảo đảm TTATGT, hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng chính trị, tổ chức và đạo đức, giỏi về nghiệp vụ, có tư thế, tác phong đúng mực, có kỹ năng xử lý tình huống thực tế đúng pháp luật, có tình, có lý, kiên quyết và linh hoạt. Chủ động phòng ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình, bảo đảm thực chất, hiệu quả; kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân.
Thứ hai, chủ động tham mưu, kiến nghị Bộ Công an xây dựng dự thảo các Luật về bảo đảm TTATGT tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao cho lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường phối hợp với các lực lượng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật. Triển khai Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết thí điểm quyền lựa chọn biển số thông qua đấu giá; Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và các đề án, dự án về tăng cường trang thiết bị, phương tiện, ứng dụng khoa học công nghệ... bảo đảm nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài theo hướng chính quy, hiện đại, tạo bước đột phá trong công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông trong tình hình mới.
Thứ ba, tiếp tục phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy; siết chặt kỷ cương, kỷ luật và thực hiện nghiêm túc các biện pháp, quy trình công tác, phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Cảnh sát giao thông. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực pháp luật, nghiệp vụ, võ thuật, kỹ năng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và xử lý các tình huống, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi công vụ. Nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT theo các chuyên đề, tập trung xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; nghiên cứu đẩy nhanh việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm TTATGT, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ tư, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng Công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền bảo đảm TTATGT, từng bước xây dựng, hình thành văn hóa giao thông, văn minh đô thị trong nhân dân; nêu gương “người tốt, việc tốt”, nhân rộng điển hình tiên tiến kết hợp với phê phán, lên án, xử lý nghiêm minh, công khai những hành vi cố ý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm tính mạng, sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; kịp thời đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm, luận điệu sai trái của các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch lợi dụng sự phức tạp của tình hình TTATGT, thiếu sót của lực lượng Cảnh sát giao thông để kích động, lôi kéo người dân có hành vi gây mất an ninh, trật tự, bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an.
Thứ năm, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông cần thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người Công an nhân dân, chấp hành pháp luật, kỷ luật và Điều lệnh Công an nhân dân; tận tụy với công việc, thân thiện, gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, xây dựng hình ảnh người Cảnh sát giao thông bản lĩnh, thân thiện, trách nhiệm, nhân văn, vì nhân dân phục vụ trong lòng nhân dân. Trong quá trình thực hiện công vụ và giao tiếp, ứng xử với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông phải thực hiện nghiêm túc Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017 của Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân; giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong trong quá trình xử lý vi phạm; biết tự bảo vệ mình, bảo vệ đồng chí, đồng đội và nhân dân khi có hành vi chống người thi hành công vụ, vi phạm pháp luật phù hợp với từng tình huống, hoàn cảnh và quy định của pháp luật.
Thứ sáu, triển khai Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy, điều hành giao thông phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính. Tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật nâng cao hiệu quả các biện pháp công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông. Có lộ trình thay thế việc phát hiện các vi phạm thủ công bằng hệ thống giám sát hiện đại 24/7; từng bước thực hiện tiêu chuẩn hóa trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác và chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát giao thông tương đương; chuẩn hóa đầu vào khi tuyển dụng, phân công công tác tại các đơn vị Cảnh sát giao thông theo hướng được bồi dưỡng, sát hạch đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ mới được giao nhiệm vụ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức huấn luyện để cán bộ, chiến sĩ có khả năng xử lý tốt các tình huống xảy ra trên các tuyến giao thông; sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác./.
Đại tá, TS. Nguyễn Thanh Trường
Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên