Xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ
Đăng ngày: 25/06/2021 - Lượt xem: 4575
Tăng cường xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Hưng Yên trong thời đại công nghiệp 4.0

Nhà văn Mark Twain đã từng nói: “Một người không đọc sách chẳng hơn gì một kẻ không biết đọc”. Rõ ràng, đọc sách để tiếp thi tri thức và làm giàu cho đầu óc của mình là một việc làm rất cần thiết. Trải qua hàng ngàn năm, việc đọc sách đã góp phần xây dựng con người văn minh, xã hội văn minh và gìn giữ, lưu truyền nhiều truyền thống tốt đẹp của mỗi quốc gia, dân tộc.

       Thời đại công nghiệp 4.0 với những tiện ích mà nó mang lại đã trở thành xu hướng chủ đạo, chiếm lĩnh trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cũng theo đó, cán bộ chiến sĩ (CBCS) lực lượng Công an nói chung và CBCS Công an tỉnh Hưng Yên nói riêng cũng dần có sự thay đổi về cách tiếp cận thông tin. Sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp hiện đại, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí, các phương tiện nghe, nhìn (điện thoại, máy tính bảng, laptop,…) tỏ ra vượt trội và tính năng tiện dụng, hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn so với trang sách, báo, tạp chí in. Mọi thông tin, kiến thức có thể tìm thấy một cách dễ dàng, nhanh chóng chỉ thông qua việc tìm kiếm trên điện thoại thông minh, máy tính có kết nối internet. Vì vậy, mảnh đất cho văn hóa đọc sách cũng dần bị thu hẹp và nhường chỗ cho cách tiếp cận thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0 theo cách số hóa.

       Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, các văn bản, sách, báo giấy (gọi chung là sách, báo truyền thống) vẫn có chỗ đứng riêng trong dòng chảy của thời đại, của công nghệ số và đang có xu hướng phát triển trở lại, xuất phát từ những giá trị ưu việt mà nó mang lại. Để có chỗ đứng trong dòng chảy công nghệ, sách, báo truyền thống đã và đang có nhiều đổi mới về hình thức và nội dung theo hướng phong phú, đa dạng hơn, khai thác nhiều khía cạnh và tiếp cận đến mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp.

       Đặc biệt, với mỗi CBCS Công an tỉnh, để đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các hệ loại đối tượng và phục vụ tốt cho công tác tham mưu, công tác xây dựng lực lượng, hậu cần - kỹ thuật phải không ngừng học tập, tìm tòi nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, pháp luật, nghiệp vụ và con đường tiếp cận ngắn nhất chính là đọc sách, báo, tạp chí. Mỗi CBCS có thể tìm thấy sự thư giãn, giảm bớt căng thẳng, áp lực công việc khi đọc sách, có thể thu lượm, bổ sung kiến thức về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ... khi nghiên cứu, đọc những cuốn sách, những bài báo khoa học hoặc tạp chí nghiệp vụ của ngành và đồng thời chính sự tĩnh lặng, tập trung khi đọc giúp CBCS được kích thích não bộ, nhớ lâu và thu nạp được nhiều thông tin, tri thức, từ đó ngày càng phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn của mình.

       Nhận thức rõ vai trò, vị trí, ý nghĩa to lớn của việc đọc sách, thời gian qua đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh và cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả văn hóa đọc trong Công an tỉnh và tại mỗi đơn vị, địa phương. Nhiều văn bản đã được ban hành để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung có liên quan đến vấn đề này như: Luật thư viện năm 2020; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 09/TT-BCA, ngày 07/8/2020 về nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện và phát triển văn hoá đọc trong Công an nhân dân.

Hệ thống thư viện trong Công an tỉnh đã được xây dựng, củng cố, thường xuyên bổ sung thêm những đầu sách, báo, tạp chí mới. Đến nay, đã có hơn 1.350 đầu sách tại Thư viện Công an tỉnh, 100% các đơn vị, địa phương trong Công an tỉnh có tủ sách, đặc biệt là tủ sách pháp luật để CBCS đọc, nghiên cứu.

 

 

       Rất nhiều hoạt động thiết thực, nhiều mô hình, cách làm hay cũng đã được Công an các đơn vị, địa phương, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ Công an tỉnh tổ chức thành công như: Công trình “Tra cứu danh mục Tạp chí Công an nhân dân” của Hội phụ nữ phòng Tham mưu,  “Tủ sách pháp luật” của đơn vị PA01, phong trào “Giờ đọc báo buổi sáng”, “Bạn trẻ đọc sách”, “Học đi đôi với làm theo Bác”… Những hoạt động trên đã khơi dậy và lan tỏa tình yêu với sách, với văn hóa đọc đến tất cả cán bộ, chiến sĩ trong Công an tỉnh. 

       Hưởng ứng các cuộc phát động và các cuộc thi do Bộ Công an, và các bộ, ban ngành tổ chức; CBCS Công an tỉnh, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên đã tích cực tham gia, tích cực nghiên cứu sách báo, tạp chí thu lượm thông tin, hình ảnh để có các phóng sự, bài thi đạt chất lượng, hiệu quả cao như: Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc trong CAND năm 2021, Cuộc thi viết “Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND”, “Tìm hiểu 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân”, “Tìm hiểu 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân”... Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh và một số đơn vị đã tích cực vận động CBCS, xây dựng kế hoạch, chương trình quyên góp, hiến tặng sách, báo, thành lập mới thêm các tủ sách.

 

 

       Việc triển khai sâu rộng các hoạt động không chỉ nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách, xây dựng xã hội học tập, làm lan tỏa, truyền cảm hứng cho CBCS có thêm niềm đam mê đối với sách. Đây cũng là hoạt động nhằm góp phần hình thành lối sống lành mạnh, tăng khả năng sáng tạo trong rèn luyện, học tập, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin thư viện và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc trong Công an các đơn vị, địa phương.

       Tuy nhiên, trong xu thế công nghệ ngày nay, nhiều CBCS Công an tỉnh cũng đang có xu hướng “ngại đọc, lười đọc”, đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng, đọc sách không đúng cách, tuy “đọc trăm quyển sách nhưng còn đọng lại chẳng có bao nhiêu”. Nhiều CBCS không nhận thấy hết vai trò và lợi ích của sách đối với tinh thần, chưa tham gia nhiệt tình các phong trào đọc sách và phát triển văn hoá đọc. Cơ sở vật chất, phương tiện, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, nguồn tài nguyên thư viện chưa phong phú, đa dạng, nhất là tài liệu về nghiệp vụ của ngành Công an...

       Mặc dù đã có nhiều văn bản, đề án, kế hoạch, cuộc phát động, nhiều cách làm đã được triển khai trong toàn lực lượng Công an tỉnh nhằm thu hút CBCS đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu các văn bản pháp luật, các loại sách, báo, tạp chí trong và ngoài ngành, nhưng tác dụng của các biện pháp vẫn còn rất hạn chế. Trong tủ sách của nhiều đơn vị đang duy trì hiện nay, rất nhiều cuốn sách, hàng chục, thậm chí hàng trăm tạp chí, sách mặc dù đã xuất bản khá lâu nhưng về hình thức còn rất mới và dường như chưa được ai xem qua. Có những cuốn sách được dày công nghiên cứu, biên soạn đề cập đến nhiều chủ đề về: tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân, các bài báo khoa học nghiên cứu, trao đổi về nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, kinh nghiệm giải quyết các vụ việc… nhưng cũng có chung hoàn cảnh tương tự.

       Thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09/CT-BCA, ngày 07/8/2020 của Bộ Công an về nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện và phát triển văn hoá đọc trong Công an nhân dân, đồng thời không ngừng phát triển phong trào đọc sách và văn hoá đọc trong lực lượng CBCS Công an tỉnh, cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

       Một là, Đảng ủy, Ban giám đốc, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, địa phương cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và thường xuyên các nội dung nhằm đẩy mạnh, phát triển phong trào đọc sách và văn hoá đọc. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt giúp toàn thể CBCS nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như tham gia nhiệt tình phong trào đọc sách và phát triển văn hoá đọc, khơi dậy niềm đam mê đọc sách và để việc đọc sách thực sự trở thành thói quen hằng ngày của mỗi CBCS.

       Hai là, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin, bổ sung nguồn tài nguyên thư viện nhằm phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của CBCS; đề xuất đầu tư mở rộng thư viện hoặc xây dựng thư viện điện tử; nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ phục vụ tại thư viện. Mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác, liên thông giữa thư viện của Công an tỉnh với các thư viện khác trong và ngoài ngành Công an.

       Ba là, đổi mới và đa dạng hoá cả về hình thức và nội dung các hoạt động cụ thể nhằm phát triển phong trào đọc sách và văn hoá đọc, qua đó huy động đông đảo CBCS tham gia. Cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các công trình, mô hình, câu lạc bộ... để phát triển sâu rộng và có chất lượng phong trào đọc sách và văn hoá đọc tại mỗi đơn vị, địa phương.

       Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt, chủ công của Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, đặc biệt là CBCS làm công tác thư viện, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ trong tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc tổ chức các hoạt động nhằm phát triển phong trào đọc sách và văn hoá đọc của Công an tỉnh với các nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả cao.

       Đối với mỗi CBCS, cần nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, xác định “học, học nữa, học mãi”, “còn hoạt động cách mạng thì còn phải học”, để khơi dậy niềm đam mê đọc sách, nghiên cứu sách, báo, tạp chí để thu lượm, bổ sung kiến thức phục vụ nâng cao hiểu biết và chất lượng công tác chuyên môn, do đó cần làm tốt một vài vấn đề sau:

       Thứ nhất, trước khi đọc sách, từng CBCS cần xác định cho mình định hướng đọc sách, bởi vì khi xác định được nội dung cần nghiên cứu, chúng ta sẽ có sự tập trung khi đọc vì có mục đích cần tìm kiếm và từ việc xác định được định hướng chúng ta có thể tìm được những cuốn sách, tạp chí phù hợp.

       Thứ hai, duy trì có nề nếp việc đọc sách, báo truyền thống. Mọi thói quen được hình thành trên cơ sở rèn luyện và thực hiện thường xuyên, có hệ thống. Việc đọc sách, báo cũng không nằm ngoài quy luật trên. Tổ chức thành lập hoặc tham gia những câu lạc bộ đọc sách tại mỗi đơn vị, địa phương, nơi quy tụ những CBCS đồng chí hướng, quan điểm và sở thích đọc sách.

       Thứ ba, mỗi CBCS sẽ ghi nhớ nhiều thông tin hơn nếu ghi chú bằng cách thủ công như đánh dấu các phần, viết nghệch ngoạc trong cuốn sổ ghi chú. Tích cực kết nối sách giúp CBCS tiếp thu và hiểu rõ hơn về các thông điệp, nội dung cần tìm hiểu, nghiên cứu.

       Thứ tư, chuẩn bị tâm lý tốt, thật thư giãn, thoải mái trước khi đọc sách. Điều này giúp mỗi CBCS giảm áp lực và tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng hơn và nhớ thông tin lâu hơn.

       Có thể khẳng định rằng “Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già,  đồng thời là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ”, hãy thử bước ra màn hình máy tính một lúc, mở cuốn sách và “bổ sung vitamin” cho tâm hồn bằng cách đọc sách mỗi ngày. Đọc sách là “liều thuốc” tốt nhất để di dưỡng tinh thần. Hãy biết tranh thủ thời cơ của công nghệ thông tin để khai thác những nội dung mong muốn, cùng phối hợp hài hòa với đọc sách truyền thống chắc chắn sẽ mang lại cho mỗi CBCS Công an tỉnh niềm vui, sự hiểu biết sâu rộng và hiệu quả thiết thực trong cuộc sống và sự nghiệp của mình./.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Quân - Phó Trưởng phòng An ninh đối ngoại

Tin liên quan