Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2025, Cục Y tế - Bộ Công an đã ban hành văn bản về tổ chức Chiến dịch truyền thông Ngày thế giới phòng chống lao.
Hoạt động tổ chức truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao kiến thức của người dân về bệnh lao và công tác phòng, chống lao; giảm mặc cảm, kỳ thị đối với bệnh lao; tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế cung cấp; tăng cường công tác phát hiện bệnh lao; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong phát hiện, xây dựng và triển khai các công cụ can thiệp và chiến lược mới cũng như trong nghiên cứu về lao và bệnh phổi.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Tại Việt Nam, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống lao được thể hiện thông qua sự cam kết mạnh mẽ với nhiều chính sách và hành động cụ thể. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện và vững chắc cho công tác phòng chống bệnh lao. Mặc dù vậy, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề, Tổ chức Y tế thế giới ước tính Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân Lao kháng thuốc toàn cầu.
Mục tiêu chấm dứt bệnh lao rất cần có sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao từ trung ương đến địa phương.
Để phòng ngừa sự lây lan của bệnh lao phổi có thể áp dụng một số biện pháp phòng chống sau:
Tiêm phòng bệnh lao phổi: Tiêm BCG được thực hiện cho trẻ em để phòng chống lao. Hiện nay, nhà nước đang thực hiện tiêm phòng lao ngay tháng đầu sau sinh trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi dương tính.
Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
Người bệnh lao phổi tránh lây nhiễm cho người khác bằng cách không ngủ cùng phòng với người khác, không đến nơi đông người...
Người bệnh phải đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ qui định và đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được hủy đúng phương pháp.
Tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh.
Thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đầy đủ, tập thể dục đều đặn và không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá…
Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phòng bệnh lao.
Hãy sàng lọc bệnh lao để kịp thời phát hiện và điều trị sớm tránh nguy cơ tử vong do lao.