Cảnh báo tội phạm
Đăng ngày: 18/12/2024 - Lượt xem: 1100
Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được Ðảng ta bàn, đề ra phương án chi tiết, chặt chẽ, lộ trình thực hiện từ rất lâu, với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả… Không để cơ quan Nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém”; đồng thời nêu rõ mục tiêu của tinh gọn bộ máy là giúp bộ máy hoạt động trơn tru, ít người nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đạt chất lượng.

Tuy nhiên, một số đối tượng chống phá xem đây là cơ hội để xuyên tạc, bịa đặt, đánh tráo khái niệm “tinh gọn bộ máy” theo hướng tiêu cực, gây hoang mang trong xã hội. Nguy hiểm hơn, các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị còn bịa đặt rằng, việc tinh giản biên chế của Ðảng, Chính phủ “chỉ là hình thức, mị dân”, không đem lại hiệu quả thực tế mà chỉ là gây tốn kém tiền bạc, ngân sách. Họ cho rằng, việc tinh gọn cơ cấu bộ máy Nhà nước chỉ là việc chuyển nguồn nhân lực từ cơ quan này sang đơn vị khác, chỉ gây tốn kém, phức tạp, mất thời gian.

Tổ chức phản động Việt Tân không ngừng tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương “tinh gọn bộ máy” theo hướng tiêu cực, hòng gây hoang mang trong xã hội (nguồn: Internet)

Thâm độc hơn, một số đối tượng còn bịa đặt rằng, việc sáp nhập các đơn vị, hợp nhất bộ máy chỉ nhằm mục đích “chia ghế”, tạo cơ hội cho cán bộ “chạy chọt” để tham nhũng, gây tốn kém ngân sách. Thậm chí, các thế lực thù địch xuyên tạc tinh giản biên chế là “đấu đá quyền lực, phe nhóm”, nhằm cắt giảm quyền lực của người này để tăng quyền lực cho người kia, là cách để “hạ bệ” hoặc “gia cố” quyền lực. Từ đó họ ngụy biện rằng, Việt Nam không có tinh giản biên chế, không có tinh gọn bộ máy mà đây chỉ là “miếng bánh phân chia quyền lực”, chuyện của “các phe phái”... Ðây là những chiêu trò mà bọn phản động, chống phá, cơ hội chính trị đã nhiều lần sử dụng khi Ðảng ta thực hiện những chủ trương, quyết sách quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính. Nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự ổn định và phát triển đất nước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân nên các thế lực thù thù địch đã dùng mọi thủ đoạn đưa thông tin sai lệch, đánh tráo bản chất, bôi nhọ mục đích, ý nghĩa công cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính nhằm gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ngòi nổ dẫn tới rối loạn chính trị - xã hội; từ đó, xóa bỏ thành quả cách mạng của đất nước ta, nhân dân ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ Chủ nghĩa xã hội. Do đó, việc nhận diện và ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết hiện nay.

1. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta

 Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào xây dựng một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ. Trong từng giai đoạn của cách mạng, nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, tổ chức bộ máy Nhà nước ở Việt Nam luôn có sự điều chỉnh phù hợp, theo hướng tinh gọn bộ máy. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Cụ thể như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa VII); Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI); Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18. Mới đây, ngày 25/11/2024, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đã họp và quyết định các vấn đề về chủ trương thực hiện và tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, làm cơ sở tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, nhờ có đổi mới, trong gần 40 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, đất nước ta phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chính trị ổn định, kinh tế, xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững; quyền làm chủ của Nhân dân được đặc biệt coi trọng và nâng cao. Việt Nam từ nền kinh tế kém phát triển, có thu nhập thấp, đến nay đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Từ 1986 đến 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần; liên tục từ 2016 đến 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước có kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới; Quy mô GDP năm 2020 tăng 1,4 lần so với năm 2015; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, năm 2023 đạt 5,05%; theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, năm 2024 dự kiến đạt 6,1%. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ với hơn 300 tổ chức quốc tế, quan hệ kinh tế, thương mại với 230 đối tác (theo Báo cáo của Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 102% trong giai đoạn 2019-2023)... Vì vậy, công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế, cũng như thực tiễn Việt Nam; phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

2. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là vấn đề cấp bách, không thể chậm trễ, thể hiện quyết tâm chính trị cao

Từ Đại hội XII, Nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, còn nhiều hạn chế, tồn tại gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển; là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Theo số liệu của Bộ Tài chính, để chi cho bộ máy hành chính chiếm khoảng 70% tổng ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng lãng phí, việc tinh giản bộ máy đã và đang là một giải pháp quan trọng, giúp tiết kiệm ngân sách và tái phân bổ các nguồn lực cho các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; Giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và thể chế; Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra vấn đề: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn nữa”.

Theo Tổng Bí thư, đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, vì đã nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay. Điều đó cho thấy rằng, trong quá trình phát triển, Đảng ta đã nhìn ra và nhận thấy tinh gọn bộ máy là vấn đề cần phải thực hiện; nhưng đây thực sự là một vấn đề khó, thậm chí rất khó, vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, “chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”, Tổng Bí thư nêu quyết tâm. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang dừng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”. Do đó, hơn lúc nào hết, việc cải cách, tinh gọn bộ máy cần sự đột phá, sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao nhất chứ không thể thấy khó, thấy phức tạp rồi để tình hình trì trệ kéo dài.

Quan điểm “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” được Tổng Bí thư nêu ra trong bài viết về xây dựng hệ thống chính trị, không chỉ là một định hướng cải cách hành chính mà còn là thể hiện quyết tâm chính trị sâu sắc, phản ánh trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong lãnh đạo đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Đồng thời, là trọng điểm chiến lược để tạo dựng một hệ thống quản lý nhà nước khoa học, minh bạch, tập trung vào giá trị thực chất nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc giải phóng, phát triển lực lượng sản xuất xã hội, tăng cường sức sống cho hệ thống quản lý điều hành đất nước, đó là nguyên tắc quan trọng và cũng là điều kiện tiền đề cho việc phát triển hơn nữa lao động, tri thức, kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn để không ngừng tạo của cải phục vụ xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Thực tiễn chứng minh rằng, để đạt hiệu quả cao, chúng ta cần kiên trì với phương hướng, kiên định về tư tưởng của Đảng, bám sát quan điểm chủ trương, đường lối, tập trung sự phát triển toàn diện của con người và sự tiến bộ của toàn xã hội. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã trở thành một nhiệm vụ đặc biệt cấp bách, tạo ra sự chủ động, sáng tạo, đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia, giảm mạnh chi phí ngân sách nuôi bộ máy, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Việc quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị được các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước đánh giá là bước đột phá mang tính cách mạng. Với mục đích, nội dung, ý nghĩa, tính khoa học, tính khả thi của “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy đã được cơ quan có thẩm quyền nêu rõ, thể hiện tính minh bạch, dân chủ và nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Có thể khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được khẳng định bằng những kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc triển khai công tác đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được các cấp triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực.

Như vậy, rõ ràng việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta, với mục đích rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “làm cho có”, “chỉ là hình thức”, “mất thời gian, tốn kém tiền của”, “tranh giành quyền lực” hay “đấu đá nội bộ” như các thế lực thù địch đã và đang tuyên truyền, xuyên tạc. Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển, mỗi người dân cần thận trọng, trạng bị cho mình “bộ lọc” trong tiếp nhận thông tin giúp nhận diện âm mưu, thủ đoạn gây nhiễu thông tin, chống phá đất nước của các thế lực thù địch, phản động để tránh bị lôi kéo bởi các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vô tình tiếp tay cho các đối tượng cơ hội, phản động, các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước. Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn dân; tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu./.

Đặng Thị Mỹ Linh

Ban Phụ nữ - Phòng CTĐ&CTCT

Tin liên quan