Hoạt động Công an tỉnh
Đăng ngày: 29/02/2024 - Lượt xem: 648
Công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong quá trình hội nhập quốc tế

Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, là địa bàn tập trung nhiều tuyến giao thông trọng điểm, nằm trong Tam giác kinh tế khu vực phía Bắc, Vùng thủ đô Hà Nội; do vậy đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, triển khai các dự án.

Toàn tỉnh hiện có trên 2.300 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có trên 540 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 6,3 tỷ USD và khoảng gần 1.760 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 320 nghìn tỷ đồng. Hiện có 535 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 15 vạn lao động cả trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 75% là người Hưng Yên. Bên cạnh những tác động tích cực, tình hình an ninh trật tự, an ninh công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như:

1. Đình công, lãn công: Từ năm 2010 đến năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 45 vụ đình công tại doanh nghiệp (23 vụ tại doanh nghiệp FDI) với hàng chục nghìn lượt người tham gia. Nguyên nhân của các cuộc đình công chủ yếu do người lao động đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế, yêu cầu được đảm bảo điều kiện làm việc và thu nhập.

2. Hoạt động của các hội, nhóm trên không gian mạng: Hầu hết thông tin đăng tải trên các hội nhóm hiện nay đều liên quan đến tuyển dụng, giới thiệu việc làm, tìm kiếm đối tác, hợp đồng kinh doanh và bán hàng. Tuy nhiên, việc đăng tải nội dung lên các hội nhóm khá dễ dàng, thông tin hầu như không được kiểm chứng, kiểm duyệt; việc đăng ký làm thành viên của các hội nhóm không qua kiểm tra hoặc chỉ cần trả lời câu hỏi “Có” hoặc “Không”, dù trả lời sai vẫn được kết nạp vào nhóm. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro liên quan đến an ninh công nhân khi các đối tượng lợi dụng kẽ hở trong quản lý thông tin trên mạng để tuyên truyền những thông tin xấu độc, định hướng dư luận theo quan điểm mà các đối tượng mong muốn.

3. Vi phạm pháp luật: Nổi lên là vi phạm các quy định về môi trường, an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh, thực phẩm, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội như trộm cắp tài sản trong doanh nghiệp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc... Thống kê trong năm 2023 đã phát hiện, khởi tố 02 vụ, 02 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 497 vụ (416 cá nhân, 84 tổ chức), phạt tiền 3,42 tỷ đồng liên quan các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường; xử lý 869 trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, phạt 6,8 tỷ đồng.

4. Hoạt động lợi dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước trong thu hút đầu tư: Nổi lên là tình trạng nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để đầu tư những dự án quy mô nhỏ, đưa thiết bị, máy móc cũ, lạc hậu, thuê nhân công giá rẻ, nợ thuế, nợ lương công nhân... khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì bỏ trốn về nước trong khi tài sản để lại không còn giá trị hoặc giá trị không cao, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, một số ít nhà đầu tư lợi dụng đưa người nước ngoài vào làm việc trong doanh nghiệp không đúng mục đích, không đăng ký, hoặc lợi dụng thị thực du lịch để đưa người nước ngoài vào làm việc không có hợp đồng lao động.

Trước tình hình trên, trong những năm qua, Công an tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ; tập trung chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan, doanh nghiệp triển khai nhiều nội dung, giải pháp có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ các công trình trọng điểm về an ninh quốc gia và các công trình mục tiêu kinh tế quan trọng khác; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế. Thường xuyên phối hợp, tham mưu thủ trưởng các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, duy trì phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia phòng chống tội phạm cho từng cán bộ, công nhân viên... Qua đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và công đoàn các cấp trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở đã từng bước được nâng lên, góp phần phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp, khu công nghiệp. 

Thời gian tới, để tăng cường đảm bảo ANTT trong các khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, quán triệt và định hướng cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế, quốc tế; những tác động, thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam khi hội nhập kinh tế, quốc tế; những thuận lợi và thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời xây dựng cơ chế huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cho công tác đảm bảo an ninh kinh tế.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp. Tham mưu thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp tăng cường tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, đồng thời, củng cố thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình tự quản, tự bảo vệ, tổ đội an toàn nhằm phòng ngừa, phát hiện và loại bỏ các yếu tố tác động tiêu cực trong các cơ quan doanh nghiệp dễ phát sinh phức tạp về ANTT.

Ba là, chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng trong công tác quy hoạch, cấp phép đầu tư, quản lý lao động nước ngoài; lựa chọn và khuyến khích các nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, công nghệ, khoa học, các dự án có hiệu quả cao cho việc phát triển kinh tế xã hội địa phương, đem lại môi trường làm việc ổn định cho người lao động; hạn chế các dự án có quy mô đầu tư nhỏ, dự án gây ô nhiễm môi trường năng lực tài chính hạn chế.

Bốn là, phối hợp và hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về ANTT trong các khu công nghiệp, công tác bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nghĩa vụ đăng ký quản lý nhân hộ khẩu, quản lý xuất nhập cảnh, phòng cháy, chữa cháy, quản lý các dịch vụ văn hoá.

Năm là, làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về ANTT theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của tỉnh nắm chắc tình hình nội bộ, hoạt động của người nước ngoài, vấn đề đình công, lãn công, đền bù giải phóng mặt bằng và những bức xúc của công nhân lao động trong các khu công nghiệp và doanh nghiệp, không để xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư./.

Phòng An ninh kinh tế

Tin liên quan