Hoạt động Công an tỉnh
Đăng ngày: 24/07/2023 - Lượt xem: 363
Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên: Sơ kết 02 năm thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Sơ kết 02 năm thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngày 24/7/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06 của Chính phủ) và khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Trần Quốc Văn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ Đề án 06 tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Đại tá Nguyễn Thanh Trường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Vũ Văn Tấn – Phó cục trưởng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an… 

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; việc triển khai các kế hoạch, đề án về chuyển đổi số được thực hiện kịp thời, hiệu quả; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường; bước đầu đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội.  

Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan đảng, hoạt động quản lý nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, gửi nhận văn bản điện tử, tổ chức hội nghị trực tuyến được thực hiện thường xuyên, thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước. Cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai ứng dụng từ cấp tỉnh đến cấp xã và đã từng bước hoạt động có hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Kinh tế số ngày càng có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh; công nghệ số được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ; nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet ngày càng mở rộng và phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, tạo nguồn thu cho địa phương. Công nghệ số ngày càng phổ biến, rõ nét và giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, tác động đến các hoạt động sinh hoạt, làm việc, học tập và thói quen của người dân. Các chỉ tiêu về phát triển xã hội số liên tục tăng trưởng và đạt kết quả tích cực, một số chỉ tiêu vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Đại tá Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Công an tỉnh trình bày báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh

Các đại biểu dự hội nghị

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị cả 3 cấp từ tỉnh, huyện, xã với 200 điểm kết nối. Tỷ lệ máy tính kết nối Internet băng thông rộng đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ hành chính công được cung cấp trên mạng Internet đạt 100%. Tỉnh đã xây dựng 8 hệ thống thông tin dùng chung, khai thác, sử dụng 65 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để phục vụ hoạt động chuyên môn của các đơn vị; Hoàn thiện kết nối Cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Mạng lưới cáp quang được lắp đặt đến 100% thôn, tổ dân phố, trong đó trên 90% hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy cập Internet băng rộng, tốc độ cao... Thực hiện chính sách về phát triển kinh tế số, tỉnh đã xây dựng, định hướng triển khai thực hiện trong đó công nghệ số được ứng dụng chủ yếu trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, Y tế, Giáo dục và các loại hình dịch vụ. Xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hưng Yên  với  tên  miền http://ecomhungyen.vn; đưa vào hoạt động từ tháng 01/2020 và được nâng cấp đưa vào hoạt động tháng 12/2022, đáp ứng ngày càng tốt hơn về giao dịch hàng hóa trên môi trường mạng. Thống kê từ các sàn thương mại điện tử, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng số: 16.782 tổ chức, cá nhân tham gia các sàn thương mại điện tử lớn và uy tín, với 212.003 sản phẩm và 13.073.298 giao dịch. Với những kết quả đạt được theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022 chỉ số DTI (Chỉ số đánh giá chuyển đổi số) tỉnh Hưng Yên xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 16 bậc so với năm 2020: năm 2020 xếp thứ 49/63; năm 2021 xếp thứ 35/63).

Kết quả triển khai, thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tăng cường công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, tích cực tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch của Chính phủ đề ra. Các cơ quan thông tin báo chí của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin đầy đủ, sâu sắc nội dung Đề án 06 đến đông đảo người dân nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt là phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và ưu thế của công nghệ số bảo đảm thông tin, tuyên truyền kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Hưng Yên công khai 1.827 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh. Trên Hệ thống cung cấp 560 dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến một phần; 1.052 dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến toàn trình. Hầu hết các sở, ngành trong tỉnh đã thực hiện việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt kết quả cao từ 90% trở lên. Đến nay, Hưng Yên đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06. Tiếp nhận và giải quyết 254.151 hồ sơ qua cổng Dịch vụ Công quốc gia, Cổng  dịch vụ công Bộ Công an. Đẩy mạnh triển khai các nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, gồm: Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp tích hợp Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh; Thu phí không dùng tiền mặt; Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt. Theo số liệu thống kê của Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày 15/7/2023, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính của Hưng Yên đạt 90,43%. Đến ngày 19/5/2023, Công an tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp cho 1.059.453/1.059.453 công dân đủ điều kiện cấp CCCD trên địa bàn tỉnh (đạt 100%), là một trong ba tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD do Bộ Công an giao. Tính đến ngày 11/6/2023 lực lượng Công an toàn tỉnh đã kích hoạt được 571.477 hồ sơ định danh điện tử và là địa phương đứng dầu cả nước về hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt định danh điện tử do Bộ Công an giao...  

Hình ảnh khen thưởng tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích mà các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong triển khai, thực hiện 2 Đề án. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Đề án chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ, các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong tâm, gồm: Thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chuyển đổi số. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai, thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tạo điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm dịch vụ số, sản phẩm ứng dụng công nghệ số. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực. Tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số; đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trong quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin…

Tại hội nghị, đã có 29 tập thể, 44 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các Đề án về chuyển đổi số vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.

Hình ảnh khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên

Trước đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan đã bấm nút khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên.

Phương Huyền – Công an tỉnh

Tin liên quan