Xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ
Đăng ngày: 03/03/2021 - Lượt xem: 23191
Câu chuyện “người hùng” cứu cháu bé rơi từ tầng 12 và bài học cho việc đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các khu chung cư, nhà cao tầng

Ngày 28/2/2021, báo chí và mạng xã hội lại một phen “dậy sóng” trước thông tin một cháu bé trèo qua lan can của một căn chung cư ở tầng 12, sau đó bị rơi xuống. Rất may cháu bé được một thanh niên cứu sống nên đã an toàn.

Hình ảnh và clip cháu bé bị rơi xuống từ tầng cao được chia sẻ dồn dập trên mạng xã hội, còn người thanh niên cứu sống cháu bé nhận được bao biết lời khen ngợi vì hành động dũng cảm, cao đẹp của mình. Sự việc tiếp tục dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh với các gia đình sống tại các căn hộ chung cư và cao tầng trong việc đảm bảo an toàn cho con em mình.

Theo thông tin báo chí phản ánh, sự việc xảy ra vào khoảng 17h30’ chiều 28/2, bé N.P.H (sinh năm 2018) ở tầng 12A của tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội bất ngờ bò từ trong nhà, trèo ra lan can. Sau đó, bé treo mình lơ lửng ở ngoài ban công. Lúc này một số người dân ở tòa bên cạnh phát hiện sự việc đã hô hoán mọi người đến ứng cứu.

Vào thời điểm này, may mắn một nam thanh niên phát hiện sự việc nên đã trèo lên mái che của sảnh để đỡ bé gái khi cháu rơi xuống, sau đó cùng người dân và gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Theo thông tin ban đầu, cháu bé bị trật khớp háng; sức khỏe tạm thời ổn định, còn nam thanh niên bị bong gân nhẹ.

Người đã cứu giúp cháu bé tên là Nguyễn Ngọc Mạnh (sinh năm 1990, trú tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội). Theo lời kể của anh Mạnh, thời điểm xảy ra vụ việc, anh đang ngồi trong xe ô tô, đợi chuyển hàng cho khách ở tòa nhà đối diện. “Tôi nghe thấy tiếng khóc của trẻ con nhưng nghĩ là bé nào đó không ngoan bị bố mẹ mắng. Tuy nhiên, ngay sau đó, tôi thấy tiếng người lớn hô hoán, cứu giúp. Lúc này tôi ngó đầu ra khỏi xe ô tô nhìn xung quanh và ngẩng lên cao thì phát hiện một em bé đang trèo ở lan can ra ngoài”. Ngay lập tức, anh Mạnh lao ra khỏi xe ô tô, nhanh chóng trèo lên mái tôn để đỡ cháu bé.

600

Hình ảnh cháu bé bị rơi từ tầng 12 của tòa chung cư

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh

Sự việc đã thu hút được sự quan tâm của báo chí và đông đảo người dùng Internet và mạng xã hội. Nhiều người đã dành cho anh Mạnh những lời khen ngợi, gọi anh là “người hùng”, “ông mụ”.... Bất chấp nguy hiểm của bản thân, không một chút do dự, anh đã cứu cháu bé thoái khỏi “cửa tử”. Hành động dũng cảm của anh một lần nữa tô thêm nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày, góp phần lan tỏa những yêu thương, gắn kết, sự sẻ chia, giúp đỡ để mọi người sống tốt hơn, đẹp hơn.

Thư khen của Thủ tướng chính phủ gửi anh Mạnh

(Nguồn tin và ảnh: Internet)

Qua vụ việc trên và một số vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em trên cả nước, phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, nhất là tại các chung cư, nhà cao tầng; giáo viên tại các cơ sở giáo dục có các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em; qua đó, phòng ngừa những tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Trẻ em thường hiếu động và tò mò. Chỉ một chút bất cẩn, vài phút lơ là của người lớn, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc thậm chí đe dọa tới tính mạng của con trẻ. Sự việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các nhà cao tầng, khu chung cư và các cơ sở trông, giữ trẻ. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị rơi từ các tầng cao tại chung cư, tuy nhiên một số gia đình vẫn chủ quan, lơ là trong việc quản lý, giám sát con em mình; một số cơ sở trông, giữ trẻ vẫn để xảy ra những tai nạn đáng tiếc cho các em nhỏ. Bên cạnh việc tăng cường quản lý trẻ em, các hộ gia đình sống tại chung cư, nhà cao tầng cần chú ý đến các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ như lắp đặt các tấm lưới an toàn, song chắn tại ban công, cửa sổ; di chuyển bàn, ghế, cây cảnh... cách xa khu vực lan can, cửa sổ để trẻ không thể trèo lên; khi trẻ ở nhà nên khóa các cửa ra ban công... Tại các cơ sở trông, giữ trẻ, do số lượng học sinh đông nên giáo viên phải quản lý, giám sát chặt chẽ các em; các nhà trường cần rà soát lại cơ sở vật chất để thay thế, lắp đặt các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho học sinh.

Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em, cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là sự quan tâm, chú ý của người lớn khi trông trẻ. Đồng thời, trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức, kỹ năng cơ bản từ đó hình thành ý thức, thói quen phòng tránh tai nạn cho các em. Qua đó, góp phần tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn để các em phát triển toàn diện.​

Phương Huyền – Công an tỉnh

Tin liên quan