Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lợi dụng SIM rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đang có nhiều diễn biến phức tạp. Thực tế công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, SIM rác bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như: Gọi điện, nhắn tin giả danh các cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng...) nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử ảo để rửa tiền; đăng ký tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Wechat... để hoạt động lừa đảo, phát tán thông tin sai sự thật...
Để ngăn chặn SIM rác trôi nổi trên thị trường, trước đây đã có quy định giới hạn mỗi người dân chỉ được sở hữu tối đa 3 SIM trên một mạng di động; tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ do liên quan đến các vấn đề pháp lý về quyền sở hữu tài sản. Hiện nay, mỗi người dân có thể đăng ký sử dụng một số lượng SIM không giới hạn, nhưng khi chuyển nhượng SIM cho người khác phải thực hiện thủ tục chuyển đổi. Đây chính là kẽ hở mà các đối tượng lợi dụng khi các đại lý SIM thuê sinh viên và người lao động tự do đứng tên đăng ký hàng nghìn SIM để bán. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ để rà soát và xử lý các SIM rác, tuy nhiên, thực tế cho thấy lượng SIM rác trôi nổi trên thị trường vẫn còn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các đối tượng lợi dụng vào mục đích vi phạm pháp luật.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên đã tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán SIM thẻ tại các cửa hàng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh. Kết quả, vào các ngày 11/3/2025 và 24/3/2025, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phát hiện 03 chủ cửa hàng có hành vi bán SIM điện thoại đã được đăng ký sẵn thông tin thuê bao cá nhân bao gồm: (1) C.X.T, sinh năm 1990, trú tại xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; (2) H.X.T, sinh năm 1992, thường trú tại bản 3/4, Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An; (3) N.Đ.Q, sinh năm 1993, trú tại thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Công an tỉnh Hưng Yên đã xử phạt hành chính đối với 03 trường hợp trên về hành vi “Bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”.
Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân không mua SIM thuê bao đã được kích hoạt sẵn. Khi sử dụng loại SIM này, người dùng sẽ không được pháp luật bảo vệ nếu xảy ra khiếu nại về dịch vụ. Ngoài ra, việc mua bán, sử dụng SIM rác vào bất kỳ mục đích nào đều vi phạm pháp luật và có thể bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, theo quy định tại khoản 7, Điều 33, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản). Người dân khi phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh SIM rác hoặc SIM không chính chủ, cần chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan Công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.
Phòng Cảnh sát Kinh tế