Trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ mua bán người, lừa bán gần 3.000 nạn nhân, bắt gần 1.700 đối tượng.
Nạn nhân của các vụ mua bán người phần lớn là phụ nữ, trẻ em gái. Bọn tội phạm lợi dụng sự kém hiểu biết của người bị hại ở những vùng sâu, vùng xa trong nội địa, những người không có việc làm, hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn… để dụ dỗ, lừa phỉnh, hứa hẹn giúp đỡ tìm việc làm, tìm chồng… hoặc vẽ lên viễn cảnh một cuộc sống giàu sang hưởng lạc sau đó đưa họ ra thành phố hoặc đưa qua biên giới bán cho các ổ mại dâm, cho người nước ngoài lấy làm vợ… Đối với trẻ em thì bọn tội phạm dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạn được như bắt cóc, dụ dỗ, lừa đảo… rồi bán cho người nước ngoài làm con nuôi, bán qua biên giới để bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục. Không những thế, thời gian gần đây, loại tội phạm này còn xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn mới như: lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để bán bào thai hoặc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh; thông qua các trang mạng xã hội để làm quen, giả yêu, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài; lợi dụng hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa ở khu vực biên giới để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó lừa bán nạn nhân; dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với mức chi phí thấp, lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, sau đó bán để cưỡng bức lao động; lợi dụng quy định về y tế, nhân đạo để mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người.

Các lực lượng tham gia diễu hành để lan tỏa thông điệp “Chung tay phòng, chống mua bán người vì một xã hội an toàn” (Ảnh minh họa)
Qua nghiên cứu cho thấy, những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm mua bán người xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, song phải kể đến một số nguyên nhân chính như: mặt trái của kinh tế thị trường mà điển hình là sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội, nạn thất nghiệp gia tăng, nhiều người không có việc làm, chính những vấn đề này đã thúc đẩy nhiều người bước vào con đường làm ăn phi pháp và bọn tội phạm mua bán người cũng lợi dụng những yếu tố này để hoạt động; Việc kinh doanh mua bán người mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng những hậu quả pháp lý lại không nghiêm trọng như buôn bán ma tuý và một số tội phạm khác nên nó thu hút, hấp dẫn bọn tội phạm hoạt động; Sự lạc hậu, kém hiểu biết của nạn nhân cũng là một trong những nguyên nhân, là môi trường góp phần làm gia tăng các vụ mua bán người ở nước ta trong thời gian qua; Một nguyên nhân mang tính xã hội nữa là tình trạng mất cân đối của tỷ lệ giữa nam và nữ trong cơ cấu dân số của một số nước láng giềng và trong khu vực đã phát sinh quan hệ cung cầu, kéo theo việc hình thành các đường dây mua bán phụ và trẻ em qua biên giới đi các nước, đặc biệt là Trung Quốc…
.jpg)
Hội nghị tổng kết dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người”
Tại Hưng Yên, mặc dù trong những tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng chưa phát hiện vụ việc có liên quan đến tội phạm mua bán người nhưng trên thực tế loại tội phạm này vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 và 3 Đề án về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người”, “Hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người”, “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người”, xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, trong đó có công tác phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm;
Các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện, thành phố, thị xã tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa nghiệp vụ; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc; chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn, kiềm chế hoạt động tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan;
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người để nâng cao cảnh giác của người dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm.
Minh Phương