Những ngày tháng mùa hè vừa qua, nắng vàng trải dài, sức nóng lên đến đỉnh điểm nhưng trên các cung đường ở thành phố Hưng Yên lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hưng Yên vẫn cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình để đảm bảo an toàn trên từng con đường, ngõ phố. Màu vàng quân phục quyện với cái nắng đổ lửa ngày hè càng thêm chói chang, rực rỡ.
Điều tiết giao thông giữa “chảo lửa” ngày hè

Cán bộ đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố điều tiết giao thông trong cái nắng đổ lửa
Như thường lệ, chẳng phân biệt ngày hè nóng nực hay ngày đông giá lạnh, hàng ngày, công việc của các chiến sỹ cảnh sát giao thông bắt đầu khá sớm, nghỉ tầm quá trưa rồi lại tiếp tục ngay đầu giờ chiều. Những ngày này, khi nhiệt độ lên đến gần 40 độ, mọi người không ai muốn ló mặt ra đường hoặc tìm mọi cách để chống nắng khi đi ra ngoài đường thì giữa những lúc nắng nóng cao điểm trong ngày, các anh vẫn đứng suốt nhiều tiếng đồng hồ, trong cả khói xe và bụi đường. Trên đầu, nắng sầm sập như đổ lửa xuống. Dưới chân, mặt đường phả nhiệt nung chảy đế giày. Dấu ấn của những ngày thời tiết nắng nóng khắc nghiệt không những hiển hiện trên làn da cháy sạm mà còn trên bộ quân phục các anh mang, dường như những bộ cảnh phục ấy cũng bị nắng gió bụi đường làm ngả màu hơn những bộ cảnh phục của lực lượng khác: ve, hàm, quần áo đều ngả chung một màu vàng sạm. Không chỉ làm hơn 8 tiếng một ngày, mà hơn thế nữa các anh còn thực hiện nhiệm vụ vào cả thứ 7 chủ nhật, đi phân luồng giao thông từ sáng sớm, trở về nhà cũng quá chiều. Công việc ấy dường như đã trở thành quen thuộc với những người phụ nữ có chồng làm Cảnh sát giao thông. Vì vậy, được nghỉ 2 ngày cuối tuần trọn vẹn bên vợ, con đã trở nên xa xỉ với mỗi người cảnh sát giao thông. “Những ngày đi làm và ứng trực 100% quân số vào những dịp lễ, tết, các sự kiện trọng đại của tỉnh và đất nước…nhiều khi nghĩ cũng chạnh lòng vì không được sum vầy bên gia đình. Bởi những ngày này, lưu lượng người tham gia giao thông đông hơn rất nhiều, va chạm xe cộ vì thế cũng có thể nhiều hơn, tai nạn giao thông vì thế cũng có thể tăng hơn và cường độ làm việc của Cảnh sát giao thông cũng “căng” hơn những ngày bình thường. Nhưng nhiệm vụ của mình được phân công vậy nhiều khi vợ ốm, con đau muốn nghỉ cũng phải hạn chế chứ không còn cách nào khác” – Thượng úy Cao Văn Giang, Đội Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hưng Yên) chia sẻ.
Cuộc gọi lúc 0h
Công việc của Cảnh sát giao thông mà mỗi người dân nhìn thấy dường như chỉ thực hiện nhiệm vụ trên đường vào ban ngày, mà đâu biết rằng các anh còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác vào ban đêm, thậm chí là thông đêm. Nhớ lại những lần thực hiện nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông, Thiếu tá Vũ Ngọc Chiến - người nhiều năm kinh nghiệm về làm hiện trường tai nạn giao thông chia sẻ về vụ tai nạn làm anh ám ảnh đến tận bây giờ. Hôm đó, vào khoảng 0h30 ngày mùng 1 Tết năm 2018, khi các anh đang trực bảo vệ bắn pháo hoa đêm giao thừa thì nhận được tin báo của nhân dân có vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 39. Khi đến hiện trường, dưới ánh đèn cao áp chúng tôi nhìn thấy ngay là hình ảnh tử thi bị biến dạng, máu lênh láng khắp mặt đường, làm ai chứng kiến cũng đều sợ hãi. Chúng tôi nhanh chóng phân công nhiệm vụ. Người làm nhiệm vụ phân luồng giao thông. Người đo đạc, khám nghiệm hiện trường. Cứ như thế, hoàn tất công việc cũng gần sáng. Quá trình khám nghiệm hiện trường xác định xe máy đi ngược chiều xe ô tô với tốc độ cao, nên xảy ra va chạm, khiến đầu nạn nhân biến dạng, tay chân gãy gập, máu chảy tại nhiều vị trí trên cơ thể nạn nhân. Sau khi hoàn tất công tác khám nghiệm, việc xác minh tung tích nạn nhân cũng gặp nhiều khó khăn. Vì trên người nạn nhân không có giấy tờ tùy thân. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, chúng tôi đành phải đăng lên Facebook với đặc điểm nhận dạng là quần áo và hình ảnh chiếc xe máy. Sau 3 ngày tích cực thì đến ngày mùng 3 Tết mới xác định được danh tính nạn nhân là người ở huyện Kim Động.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh – TP Hưng Yên
Thiếu tá Chiến chia sẻ: Dọn hiện trường vụ tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh, vì thế công việc khám nghiệm hiện trường của anh em chúng tôi đòi hỏi phải có chút máu lạnh, gan sắt và trái tim đủ nóng để tìm ra đúng - sai cho người mất. Hiện nay, thuận lợi về thông tin liên lạc, khi xảy ra tai nạn thì cũng có người nhà của nạn nhân có mặt, hoặc khi hoàn tất quá trình khám nghiệm thì sẽ có những người chuyên làm việc thu gom xác tử thi hỗ trợ. Những không phải lúc nào chúng tôi cũng có người hỗ trợ, có nhiều khi anh em phải trực tiếp đưa tử thi lên xe cứu thương cho về nhà xác. Như vụ tai nạn kể trên, chúng tôi phải trực tiếp thu dọn và đưa tử thi lên xe cứu thương. Thời khắc đầu xuân năm mới, chúng tôi chỉ biết thắp nén hương cho nạn nhân, tạo hơi ấm an ủi nạn nhân xấu số, xua đi những gì không may mắn.
Nguy hiểm luôn cận kề
Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đường, cảnh sát giao thông cũng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Bởi bên cạnh những người chấp hành nghiêm luật khi tham gia giao thông thì vẫn còn rất nhiều người cố tình vi phạm và chống đối khi bị lực lượng cảnh sát giao thông nhắc nhở. Trong nhiều lần phối hợp dừng xe kiểm tra các đối tượng vận chuyển ma túy, các đối tượng trộm chó hoặc ngay như các đối tượng vi phạm luật giao thông, có nhiều trường hợp đối tượng liều lĩnh đâm vào lực lượng cảnh sát giao thông để bỏ chạy. Nhìn vào vết sẹo dài trên cánh tay, Đại úy Phạm Thành Trung chia sẻ: Trong một lần tổ công tác đang làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Văn Linh, phát hiện xe ô tô BKS: 31F - 2543 dừng đỗ không đúng quy định, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khi lực lượng chức năng mời lái xe ra làm việc, lái xe không chấp hành mà nhấn ga đâm thẳng, hất Đại úy Trung lên lắp capo của xe và tiếp tục di chuyển thêm 300m. Nhận thấy sự manh động và liều lĩnh của lái xe, Thượng úy Đào Ngọc Hiệp điều khiển xe mô tô chặn đầu, yêu cầu dừng xe thì đối tượng phanh hất Đại úy Trung xuống đường, sau đó tiếp tục tăng ga bỏ chạy về hướng Thị trấn Vương (Tiên Lữ), khiến Đại úy Trung bị đa chấn thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Không chỉ có mối nguy hiểm trong việc xử lý vi phạm, hiện nay thanh niên đua xe hoặc kẹp 3, kẹp 4, nẹt bô, lạng lách, đánh võng chạy vè vè trên đường cũng gây rất nhiều nguy hiểm. Thượng úy Đào Ngọc Hiệp cho biết: Khi làm nhiệm vụ, mỗi chiến sỹ cảnh sát giao thông phải rèn luyện bản lĩnh, sự tinh thông nghiệp vụ và kinh nghiệm để phán đoán được ý định của đối tượng; sự linh hoạt xử lý trong mọi tình huống; sự nhanh nhạy, dũng cảm để trấn áp, bắt giữ các đối tượng… nếu không tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hai thanh niên vi phạm giao thông cố tình tăng ga bỏ chạy khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe
Khó khăn, vất vả là vậy, nhiều khi phải đánh đổi bằng mạng sống nhưng các chiến sỹ Cảnh sát giao thông vẫn cố gắng nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Nếu chỉ nhìn vào một vài “va chạm” giữa Cảnh sát giao thông và người vi phạm mà đổ đồng sự hy sinh, vất vả của các anh thì thật không công bằng. Mỗi người tham gia giao thông nên chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông cũng như giảm áp lực công việc cho người chiến sỹ ngày, đêm “bám” đường giữ gìn sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người.
Hải Yến