Thông tin chuyên đề
Đăng ngày: 14/10/2024 - Lượt xem: 89
Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và trách nhiệm của mỗi người dân

Vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội; khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, kém chất lượng có thể gây cho con người triệu chứng dễ nhận thấy hoặc có thể bị ngộ độc cấp tính, có trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng con người hoặc tích lũy nhiều ngày các chất độc hại sau một thời gian mới phát bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Trên địa bàn tỉnh, tình hình vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đang tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp; do có tuyến đường giao thông thuận lợi, giáp ranh với thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh cho nên trên địa bàn tập trung nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu tại địa phương và tỉnh ngoài, cùng với đó là sự phát triển kinh doanh kho lạnh, sản xuất, xuất nhập khẩu các sản phẩm như bánh, kẹo rượu, bia, nước giải khát, thủy, hải sản, thực phẩm chay… các làng nghề chế biến, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là thực phẩm, có thể kể đến các làng nghề như nấu rượu tại Trương Xá - Kim Động, làm nem chua, bóng bì tại Tân Quang - Văn Lâm, giết mổ gia súc tại Nhân Hòa - Mỹ Hào… Bên cạnh đó, tình hình về an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các Khu, Cụm công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư, nơi có các trường Đại học, có nhiều học sinh, sinh viên cư trú cũng có diễn biến phức tạp, với số lượng lớn công nhân, học sinh, sinh viên tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, ăn uống tại các cơ sở mất vệ sinh an toàn thực phẩm; do yếu tố cạnh tranh nên các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải giảm chi phí để có giá thành rẻ đã sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, không đảm bảo an toàn để chế biến món ăn, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở lên phổ biến, tràn lan, không đúng liều lượng và danh mục cho phép; việc lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng trong trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng chất cấm trong chế biến nông thủy sản trở thành phổ biến. Từ đó, dẫn đến nguy cơ phức tạp đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mất an toàn cho người dân trong sử dụng thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước tình hình trên, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Gọi tắt là Chỉ thị số 17); Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ số 17; Kế hoạch số 370/KH-BCA-C05 ngày 17/7/2023 của Bộ Công an về triển  khai thực hiện Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đảng ủy Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch số 171-KH/ĐUCA ngày 10/1/2023, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2851/KH-CAT-PC05-PV01 về triển khai thực hiện Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, chỉ đạo các Chi, Đảng bộ trực thuộc, Đảng ủy Công an huyện, thị xã, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cách lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn, mỗi người dân là "người tiêu dùng thông thái"; phát động mạnh mẽ phong trào Vì an ninh Tổ quốc, duy trì, nhân rộng các mô hình, tổ tự quản trong công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chug, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng. Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về an ninh, an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, bức xúc trong nhân dân. Kết quả, 9 tháng đầu năm 2024 đến nay lực lượng Công an toàn tỉnh phát hiện, xảy ra 197 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (tăng 81 vụ so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu là hình vi vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm hết hạn sử dụng…, xử phạt 343,2 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 06 tấn sản phẩm động vật (thịt lợn, lòng lợn, bì lợn, da trâu, mực, thịt bò) ôi thiu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 21.000 chiếc bánh Trung thu; hơn 7.000 lít rượu... Điển hình: Ngày 30/5/2024, trên địa bàn 02 xã Thuần Hưng và xã Chí Tân thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có khoảng 10 công dân có biểu hiện đau bụng, nôn ói và đi ngoài nhiều lần. Lực lượng Công an tỉnh đã khẩn trương xác minh, xác định nguyên nhân do những người dân trên đều mua và ăn bánh mì tại một cơ sở bán ăn sáng trên địa bàn xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu. Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra các mẫu thực phẩm tại cửa hàng và xác định một loại Sốt dùng cho bánh mì bị nhiễm S.aureus (Vi khuẩn tụ cầu) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở ăn sáng vi phạm, mức phạt tiền là 107.500.000 đồng.

Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh ra quân xử lý vi phạm.

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, có tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tình mạng của người dân. Do đó, bên cạnh những nỗ lực trong quản lý, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, mỗi người cũng cần nâng cao nhận thức, có trách nhiệm chung trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người dân, Công an tỉnh khuyến cáo:

- Các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, người trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến phải nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Người dân thực hiện tốt các biện pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng các sản phẩm không an toàn, không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ...

- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm, tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình và từng người dân để đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Nêu cao ý thức, trách nhiệm trong phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; phấn đấu trở thành người tiêu dùng thông thái, kịch liệt lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh

Tin liên quan